Số lượng TNV mục tiêu cho đến năm 2032 là 300
Donate NowDu lịch Có Trách Nhiệm là gì ?
Cụm từ Du Lịch Có Trách Nhiệm đã trở thành một thuật ngữ của lĩnh vực du lịch trên thế giới từ năm 2002. Năm này, đại diện ngành Du Lịch từ 20 quốc gia ở châu Phi, Bắc và Nam Mỹ, châu Âu và châu Á, đại diện tổ chức Du lịch Thế giới và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã họp tại Cape Town, Nam Phi. Đây là Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về “Du lịch Có Trách Nhiệm tại điểm đến”. Tại đây, hội nghị đã thống nhất các nội dung quan trọng trong đó có một định nghĩa dựa trên các nguyên tắc chính:Du lịch có trách nhiệm là hoạt động du lịch có:- Sử dụng các nguồn tài nguyên theo hướng bền vững
- Tôn trọng, bảo tồn và phát huy tính đích thực trong văn hóa xã hội.
- Đảm bảo lợi ích kinh tế lâu dài, sự công bằng trong phân bổ nguồn lực cho các bên liên quan.
Các đặc điểm của Du lịch có trách nhiệm:
- Giảm thiểu các tác động tiêu cực tới kinh tế, môi trường và xã hội
- Tạo ra các lợi ích kinh tế cho người dân và tăng cường phúc lợi cho cộng đồng sở tại
- Cải thiện điều kiện làm việc và tiếp cận với ngành du lịch
- Tăng cường sự tham gia của người dân địa phương trong các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
- Có những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa, trong việc duy trì sự đang dạng của thế giới
- Cung cấp nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách thông qua mối liên hệ với người dân bản địa, những hiểu biết về các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường địa phương đó
- Tạo ra sự tôn trọng của khách du lịch đối với người dân bản địa cũng như xây dựng niềm tự hào dân tộc.
Nguyên tắc Định hướng về Trách nhiệm Kinh tế
- Đánh giá tác động kinh tế trước khi phát triển du lịch và ưu tiên tiến hành những hình thức phát triển mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sinh kế của người dân địa phương, nhìn nhận rằng du lịch có thể không phải lúc nào cũng là hình thức thích hợp nhất cho phát triển kinh tế địa phương.
- Tối đa hoá lợi ích kinh tế địa phương bằng cách tăng cường các mối liên kết và giảm bớt các kẽ hở, bằng cách đảm bảo rằng các cộng đồng cùng tham gia và hưởng lợi từ du lịch. Sử dụng du lịch để hỗ trợ giảm nghèo bằng cách áp dụng các chiến lược vì người nghèo ở bất cứ nơi nào có thể.
- Phát triển sản phẩm chất lượng mà mang lại, bổ sung và tăng cường cho các điểm đến.
- Tiếp thị du lịch theo cách thức mang lại sự toàn vẹn tự nhiên, văn hóa và xã hội của điểm đến, và khuyến khích các hình thức thích hợp của du lịch.
- Thực hiện kinh doanh công bằng, giá mua và giá bán hợp lý, xây dựng mối quan hệ đối tác đa chiều để giảm thiểu và chia sẻ nguy cơ, tuyển dụng và sử dụng nhân viên đạt các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
- Hỗ trợ thích hợp và đầy đủ cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và vi mô để đảm bảo các doanh nghiệp có liên quan đến du lịch cùng phát triển mạnh và bền vững.
Nguyên tắc Định hướng về Trách nhiệm Xã hội
- Cộng đồng địa phương chủ động tác động vào việc lập kế hoạch, ra quyết định và xây dựng năng lực để biến Du Lịch Có Trách Nhiệm thành hiện thực.
- Đánh giá các tác động xã hội trong suốt vòng đời hoạt động – bao gồm cả giai đoạn quy hoạch và thiết kế dự án – để giảm thiểu các tác động tiêu cực và tối đa hóa những tác động tích cực.
- Nỗ lực biến du lịch như một trải nghiệm xã hội toàn diện và đảm bảo rằng mọi người đều có quyền tham gia, đặc biệt là các cá nhân và cộng đồng dễ bị tổn thương và gặp khó khăn.
- Chống bóc lột tình dục, đặc biệt là bóc lột trẻ em.
- Quan tâm văn hóa địa phương sở tại, duy trì và khuyến khích sự đa dạng xã hội và văn hóa.
- Nỗ lực để đảm bảo rằng du lịch góp phần cải thiện sức khỏe và giáo dục.
Nguyên tắc Định hướng về Trách nhiệm Môi trường
- Đánh giá tác động môi trường trong suốt vòng đời của các cơ sở và các hoạt động du lịch – bao gồm cả giai đoạn quy hoạch và thiết kế – và đảm bảo giảm thiểu các tác động tiêu cực và tối đa hóa những tác động tích cực.
- Sử dụng nguồn tài nguyên một cách bền vững, giảm chất thải và sự tiêu thụ quá mức.
- Quản lý đa dạng tự nhiên một cách bền vững, và khi thích hợp thì khôi phục lại sự đa dạng này; cân nhắc quy mô và loại hình du lịch mà môi trường có thể hỗ trợ, và tôn trọng sự toàn vẹn của hệ sinh thái dễ bị tổn thương và các khu vực cần được bảo vệ.
- Tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức của các đối tác cho sự phát triển bền vững.
- Nâng cao năng lực của mọi đối tác và đảm bảo tiến hành theo mô hình điển hình, tham khảo ý kiến các chuyên gia môi trường và bảo tồn.
Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam
Tư tưởng này cũng đã được xác định mạnh mẽ bởi nhà nước Việt Nam. Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững. Nghị quyết dựa trên chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc năm 2015, đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam gồm:(1) Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; (2) Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; (3) Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; (4) Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; (5) Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; (6) Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người; (7) Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người; (8) Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; (9) Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới; (10) Giảm bất bình đẳng trong xã hội; (11) Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng; (12) Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; (13) Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; (14) Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững; (15) Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất; (16) Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp; (17) Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.Du lịch Có Trách Nhiệm vì sự “PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”.
Quay lại cụm từ Du lịch Có Trách Nhiệm, với tính chất đa dạng của hành động liên quan. Chúng ta có thể làm Du lịch có trách nhiệm khi thưởng thức một món ngon hay mua chiếc khăn thêu của cộng đồng địa phương tạo nên. Hay ở một công ty lữ hành nọ, họ tuân thủ nhiều tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Hoặc một khách sạn nho nhỏ yêu cầu du khách dùng lại khăn để giảm thiểu lượng nước và hóa chất chảy vào môi trường.Du lịch Có Trách Nhiệm không khó, chỉ là chúng ta có để tâm tới nó hay không mà thôi.Nhưng phần “để tâm đó” đó đôi khi lại là phần khó nhất. Ta cần đặt mục tiêu, rồi thay đổi nhận thức, hành vi, rồi mới hình thành thói quen.Chúng ta cùng hành động và lan tỏa, vì sự bền vững, vì trái đất, và vì chính chúng ta !Tại WAFORT-Cộng Đồng Du Lịch Có Trách Nhiệm chúng mình giới thiệu với các bạn những phương pháp đơn giản từng phần để tham gia du lịch có trách nhiệm. Vì không có 1 cách chung nhất cho mọi đối tượng, nên các bạn có thể theo dõi từng bài viết, từng tin tức cập nhật… Điều đó sẽ giúp các bạn ngày càng hiểu sâu xa hơn để rồi “cách du lịch” sẽ là lựa chọn riêng của mỗi người.Nguyễn Ngọc Toản và các cộng sự tại WAFORT