Cần Giờ phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh
Với hệ sinh thái rừng ngập mặn được UNESCO công nhận, Cần Giờ đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, nhờ vào những nỗ lực tiên phong của người trẻ và sự kết hợp hài hòa giữa cộng đồng địa phương và thiên nhiên. Hãy cùng WAFORT khám phá những mô hình du lịch sáng tạo và bền vững đang từng bước đưa Cần Giờ trở thành điểm đến xanh lý tưởng.
1. Cần Giờ – địa phương có nhiều lợi thế phát triển du lịch xanh
Sau đại dịch COVID-19, du khách ngày càng ưu tiên sự an toàn, sức khỏe và các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Những chương trình du lịch sinh thái gắn với thiên nhiên và văn hóa địa phương trở thành xu hướng, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.Tại TP.HCM, Cần Giờ là địa phương giàu tiềm năng nhất cho du lịch xanh. Với nhiều dự án kinh tế xanh như Cảng biển xanh, thành phố nghỉ dưỡng, và du lịch sinh thái, huyện duyên hải này được ví như “Người đẹp ngủ trong rừng,” đang từng bước thức giấc.1.1. Đánh thức “Người Đẹp Xanh” Cần Giờ
Cần Giờ được biết đến với những cái tên/địa danh nổi tiếng như Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Lá phổi xanh của Sài Gòn – TP.HCM, Rừng Sác hay Chiến khu Rừng Sác, Đảo khỉ,… và là huyện duyên hải nhìn ra Biển Đông. Việc hướng tới những chương trình, sản phẩm du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng địa phương, gắn với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc địa phương nhằm phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đang trở thành xu thế trong phát triển du lịch hiện nay nói chung, TP.HCM trong đó có Cần Giờ nói riêng.Huyện Cần Giờ có diện tích tự nhiên khoảng 70.435 ha (704, 435 km2); trong đó, diện tích rừng ngập mặn là 34.813,64 ha, chiếm gần 50% diện tích tự nhiên toàn huyện. Sau thời gian phục hồi và phát triển, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ rất đa dạng, phong phú, có môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên xanh – sạch – đẹp, và đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 21/01/2000.Nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch trên địa bàn huyện, nhất là phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh, hướng đến mục tiêu tạo ra sinh kế bền vững và nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nhân văn của địa phương, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM xây dựng và triển khai Đề án phát triển mô hình Du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng. Tính đến quý 1 năm 2024, sau hơn một năm hoạt động, điểm đến du lịch Thiềng Liềng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía du khách, các doanh nghiệp lữ hành và được bình chọn là một trong 100 điều thú vị của TP.HCM tại hạng mục “Điểm đến thú vị”.1.2. “Viên Ngọc Bích” đang dần tỏa sáng
Nhằm tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh, bền vững, huyện Cần Giờ đang triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ.Công tác tuyên truyền về mô hình được chú trọng. Huyện và các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân và du khách thực hành các hoạt động tiêu dùng xanh trong du lịch; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước. Đồng thời tuyên truyền người dân giữ gìn bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nhân văn của địa phương. Theo định kỳ, huyện sẽ sẽ thường xuyên đánh giá, phân tích khả năng tiếp cận, sự chịu tải của hệ thống tài nguyên du lịch, nguồn nhân lực và năng lực cung ứng dịch vụ du lịch tại các điểm đến; từ đó nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng tại các xã, thị trấn còn tiềm năng theo hướng phát triển các sản phẩm du lịch xanh, bền vững.Ngoài ra UBND huyện còn tổ chức cải tạo cảnh quan, tăng cường mảng xanh các tuyến giao thông và điểm đến; xây dựng phương án giao thông xanh; xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa truyền thống.Mặc dù liên kết du lịch ở Cần Giờ mới manh nha hình thành, như mô hình du lịch cộng đồng Điểm đến du lịch Thiềng Liềng, Ngày hội sản phẩm OCOP… nhưng vùng duyên hải này của TP.HCM đang được những “thợ kim hoàn” mài giũa và “viên ngọc bích” ấy đang dần lộ diện tựa người đẹp trong rừng vừa bừng tỉnh sau giấc ngủ dài. Cần Giờ đang tỏa sáng và sẽ tiếp tục tỏa sáng trong tương lai.2. Những người trẻ tiên phong phát triển du lịch xanh tại Cần Giờ
2.1. Làm tour sinh thái trên chính quê hương của mình
Trần Nguyên Nam (sinh năm 1994) – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Trải nghiệm xanh Cần Giờ là một trong những bạn trẻ đang nỗ lực phát triển các tour du lịch về địa phương Cần Giờ. Nam sinh ra và lớn lên tại Cần Giờ. Theo Nam, để phát triển du lịch bền vững cần được các ban ngành ủng hộ và đưa ra những gợi ý, giải pháp cụ thể để có hướng đi đúng đắn hơn, sát thực hơn. Cần Giờ là lá phổi xanh thành phố, cần phát huy tối đa nhưng không được làm ảnh hưởng môi trường xanh – đó là giải pháp cần quan tâm hiện tại. Ngoài ra cần sự thỏa thuận, liên kết chặt chẽ giữa các đối tác cung cấp dịch vụ với nhau trên phương diện cùng nhau phát triển du lịch bền vững. Nói về tiềm năng của du lịch Cần Giờ, Nam cho biết: “Với sự phát triển như hiện tại, Cần Giờ là điểm sáng để phát huy du lịch bởi hội tụ đủ các yếu tố biển, rừng và núi… Đặc biệt, rừng ngập mặn Cần Giờ còn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là điểm mạnh để phát huy mô hình du lịch sinh thái”.2.2. Phát triển du lịch sinh thái theo hướng Camping
Nguyễn Thị Cẩm Duyên, sinh năm 1996, hiện điều hành khu Camping Cần Giờ By The Sea. Từng học đại học về chuyên ngành Kinh tế, mới bén duyên với ngành du lịch chưa lâu nhưng Cẩm Duyên quyết định chọn hướng camping vì đánh giá đây đang là xu hướng triển vọng, ngày càng được nhiều người yêu thích.“Hiện, xu hướng du lịch mọi người thích hòa mình vào thiên nhiên. Con người và thiên nhiên hòa hợp. Ở Cần Giờ, hiện tại thích hợp cho du lịch trong ngày hoặc ngắn ngày, an ninh và thiên nhiên có biển, rừng, sông rất thích hợp cho loại hình du lịch sinh thái trải nghiệm”, Duyên chia sẻ.Khu vực cắm trại của Duyên ở ngay bờ biển, không gian cây xanh che mát tự nhiên, không khí trong lành nên rất nhiều bạn trẻ thích thú tìm đến gần đây. Ngoài ra, nhóm của Duyên cũng kết hợp với đoàn viên, thanh niên địa phương tổ chức những buổi thu gom rác tại bãi biển quanh khu vực cắm trại của mình. “Chỉ khi mình bắt tay hành động mọi người sẽ cùng nhìn và làm theo, có như thế môi trường mới được cải thiện. Tụi mình vẫn tâm niệm phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ môi trường”.2.3. Review du lịch
Vốn không làm trong ngành du lịch nhưng Kha Thiên Lộc (sinh năm 1990, ngụ tại Q.6, TPHCM) lại có rất nhiều đóng góp cho cộng đồng những người thích xê dịch. Những điểm đến độc đáo cùng những bài review chân thực của anh là kho cẩm nang bổ ích cho những ai sắp sửa xách ba lô lên và đi. Không chỉ review các điểm du lịch được ít người biết đến, Thiên Lộc còn là admin trang “Ăn chơi Cần Giờ” và “Địa điểm Cần Giờ” với gần 40.000 thành viên. Trang cung cấp tất cả kiến thức về du lịch ở vùng đất “lá phổi xanh TPHCM”. Và sau đó Lộc định hướng và kết nối nhiều bạn ở địa phương làm du lịch chung. Về phần quảng bá chia sẻ, Lộc là người hỗ trợ và kết nối cho các bạn trẻ làm du lịch tại Cần Giờ cho đến giờ. Trước vấn đề nạn rác thải ở các khu du lịch Cần Giờ, kênh của nhóm Lộc cũng chia sẻ thường xuyên các bài viết vấn nạn này. “Hiện tại bên mình cũng hay tổ chức nhặt rác ở ngoài biển và trong rừng. Sắp tới kênh của chúng mình sẽ cố gắng đẩy mạnh những bài viết liên quan đến môi trường để chia sẻ cho nhiều bạn biết hơn”, Lộc bày tỏ.Nguồn: Internet