Phát triển du lịch trải nghiệm xanh: Bài học quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam
Nguyễn Châu Anh
Trường Đại học Thương mại
Emai: chauanhngx@gmail.com
Tóm tắtÁp dụng phương pháp nghiên cứu định tính, bài viết phân tích bài học kinh nghiệm từ 3 quốc gia: Costa Rica, New Zealand và Thái Lan, nhằm xác định các yếu tố then chốt trong việc phát triển và triển khai các sản phẩm du lịch trải nghiệm xanh. Đối với mỗi quốc gia, nghiên cứu đánh giá 3 khía cạnh chính: tiềm năng phát triển, các sản phẩm du lịch hiện có và chính sách chính phủ nhằm thúc đẩy loại hình du lịch bền vững này. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số khuyến nghị cụ thể cho Việt Nam, tập trung vào việc xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm xanh hiệu quả, và thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.Từ khóa: du lịch trải nghiệm xanh, Việt Nam, Costa Rica, New Zealand, Thái Lan, bài học, kinh nghiệmSummaryThis article applies a qualitative research approach to analyze lessons learned from three countries: Costa Rica, New Zealand, and Thailand, to identify key factors in developing and implementing green experiential tourism products. For each country, the study assesses three main aspects: Development potential, Existing tourism products, and Government policies to promote this type of sustainable tourism. Based on the research results, the author proposes several specific recommendations for Vietnam, focusing on building support policies, developing effective green experiential tourism products, and promoting the active participation of local communities.Keywords: green experiential tourism, Vietnam, Costa Rica, New Zealand, Thailand, lessons, experiencesGIỚI THIỆU
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, du lịch trải nghiệm xanh đã nổi lên như một xu hướng được ưa chuộng bởi du khách và trở thành ưu tiên chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới. Mô hình du lịch này không chỉ là một phương thức đổi mới trong việc thu hút khách du lịch, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển bền vững. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc triển khai các mô hình du lịch trải nghiệm xanh, cung cấp những bài học quý giá về sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Đối với Việt Nam, với tiềm năng tự nhiên phong phú và đa dạng, du lịch trải nghiệm xanh được kỳ vọng sẽ trở thành một hướng đi chiến lược trong nỗ lực phát triển ngành du lịch bền vững. Nghiên cứu này phân tích các bài học quốc tế trong việc phát triển du lịch trải nghiệm xanh, từ đó đề xuất những giải pháp và kinh nghiệm ứng dụng phù hợp với bối cảnh Việt Nam, nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững của ngành du lịch quốc gia.KHÁI QUÁT VỀ DU LỊCH TRẢI NGHIỆM XANH
Du lịch trải nghiệm xanh xuất hiện trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường và xã hội. Biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái và mất đa dạng sinh học là những vấn đề gây lo ngại về tính bền vững của các hoạt động kinh tế, bao gồm cả ngành du lịch. Sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch trong những thập kỷ qua đã góp phần đáng kể vào tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và tạo áp lực lên các nền văn hóa bản địa. Những tác động tiêu cực này đã thúc đẩy sự ra đời của các khái niệm và phong trào hướng đến phát triển bền vững, trong đó có du lịch trải nghiệm xanh.Du lịch trải nghiệm xanh là sự kết hợp giữa du lịch xanh và du lịch trải nghiệm, tạo nên một hình thức du lịch bền vững và có trách nhiệm. Furqan và các cộng sự (2010) định nghĩa, du lịch xanh là hoạt động du lịch thân thiện với môi trường, bao gồm nhiều hành động cụ thể có ý nghĩa. Du lịch xanh tập trung vào việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến thiên nhiên và khuyến khích bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Các hoạt động này bao gồm: du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và các tour du lịch đến các khu vực có giá trị sinh thái cao mà không gây hại đến môi trường.Mặt khác, du lịch trải nghiệm nhấn mạnh vào việc mang lại cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ thông qua việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động văn hóa, xã hội và đời sống của cộng đồng địa phương. Du khách không chỉ là người quan sát, mà còn trở thành người tham gia, học hỏi và tương tác với người dân bản địa, từ đó hiểu sâu hơn về văn hóa, phong tục và lối sống của các vùng đất mà họ đặt chân đến. Khác với du lịch đại chúng – một hình thức du lịch đem lại rất ít sự cá nhân hóa cho du khách và chủ yếu hướng đến sự tiện nghi và giải trí quy mô lớn, du lịch trải nghiệm tập trung vào mối liên hệ trực tiếp giữa du khách và các trải nghiệm đem lại cảm xúc cũng như bài học có giá trị.Một trong những yếu tố quan trọng của du lịch trải nghiệm xanh là việc sử dụng hiệu quả và bền vững các tài nguyên thiên nhiên. Các hoạt động du lịch không chỉ hướng tới việc giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, mà còn phải có những đóng góp tích cực, như: bảo tồn động thực vật, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, du lịch trải nghiệm xanh cũng đòi hỏi sự tham gia tích cực của chính những du khách vào các hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình du lịch. Du khách vẫn có thể thoải mái khám phá một vùng đất, nhưng không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến môi trường và văn hóa của địa phương. Những hoạt động này không chỉ mang lại những trải nghiệm độc đáo mà còn góp phần vào việc bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên, và cũng không làm giảm khả năng tạo ra lợi ích kinh tế – xã hội cho cộng đồng.Du lịch trải nghiệm xanh đã trở thành một xu hướng toàn cầu, với nhiều mô hình kinh doanh thành công, không chỉ giúp bảo vệ môi trường, mà còn tạo ra những trải nghiệm ý nghĩa cho du khách. Một trong những mô hình nổi bật là khu nghỉ dưỡng sinh thái ở Costa Rica. Khu nghỉ dưỡng sinh thái mang tên Lapa Rios trên bán đảo Osa tại đất nước này không chỉ cung cấp chỗ ở sang trọng giữa rừng mưa nhiệt đới, mà còn tích cực tham gia vào việc bảo vệ rừng và động vật hoang dã, biến du lịch trở thành một phần của nỗ lực bảo tồn. Khu nghỉ dưỡng đã sử dụng phần lớn diện tích đất của mình làm khu vực nơi du khách có thể tham gia vào các hoạt động, như: đi bộ đường dài trong rừng, quan sát động vật hoang dã và tham gia các tour giáo dục về hệ sinh thái rừng mưa. Lapa Rios cũng hợp tác chặt chẽ với các tổ chức bảo tồn địa phương để đảm bảo rằng, khu vực rừng xung quanh được bảo vệ khỏi nạn phá rừng và khai thác quá mức. Costa Rica cũng rất chú ý đến mô hình du lịch cộng đồng, bởi đây là một quốc gia có nền văn hóa vô cùng đa dạng. Các mô hình du lịch cộng đồng như ở làng Bribri, cũng tạo cơ hội cho du khách khám phá văn hóa bản địa, từ việc tham gia vào các nghi lễ truyền thống đến học cách trồng và chế biến ca cao, đồng thời góp phần bảo vệ rừng nhiệt đới.Ngoài ra, du lịch bảo tồn động vật hoang dã cũng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực du lịch trải nghiệm xanh. Ở châu Phi, African Wildlife Foundation tổ chức các tour độc đáo, cho phép du khách chiêm ngưỡng động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, đồng thời góp phần bảo vệ các loài quý hiếm. Khách du lịch có cơ hội tham gia trực tiếp vào công tác bảo tồn, như: giám sát khu vực có nguy cơ săn bắn cao, tham gia chiến dịch bảo vệ voi và tê giác, hoặc hỗ trợ các dự án cứu hộ và tái thả động vật về tự nhiên.Những mô hình này không chỉ bảo vệ môi trường và văn hóa bản địa, mà còn tạo ra trải nghiệm du lịch sâu sắc và bền vững. Từ các khu nghỉ dưỡng sinh thái đến du lịch cộng đồng, ví dụ từ Thái Lan, Costa Rica và nhiều nước khác cho thấy, tiềm năng to lớn của du lịch trải nghiệm xanh trong việc kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.Việt Nam có thể học hỏi từ những mô hình thành công này để phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên và văn hóa đặc trưng của mình. Ví dụ, Việt Nam có thể phát triển các tour tham quan rừng ngập mặn ở Cần Giờ kết hợp với hoạt động trồng rừng, hay tổ chức các chuyến du lịch cộng đồng tại các bản làng vùng cao phía Bắc, nơi du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số và tham gia vào các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống. Những sáng kiến như vậy sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và giá trị văn hóa địa phương.KINH NGHIỆM QUỐC TẾ
Kinh nghiệm của Costa Rica
Tiềm năng phát triểnCosta Rica là một đất nước có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, văn hóa bản địa giàu bản sắc cùng nhiều chính sách bảo vệ môi trường từ Chính phủ, chính vì vậy quốc gia này sở hữu nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch trải nghiệm xanh. Với 26,2% diện tích đất nước được bảo vệ dưới hình thức các công viên quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, Costa Rica được coi là một trong những điểm đến thu hút nhất thế giới về du lịch sinh thái (Costa Rica Tourism Board, 2023). Du khách được trải nghiệm hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới phong phú, bờ biển dài, và nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm. Ngoài những lợi thế được ban tặng bởi thiên nhiên, sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương và hỗ trợ từ Chính phủ trong việc phát triển du lịch bền vững đã tạo cho quốc gia này một môi trường thuận lợi để phát triển du lịch trải nghiệm xanh.Các sản phẩm du lịch trải nghiệm xanhVới hơn 25% diện tích lãnh thổ là hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia, các khu vực như: Công viên Quốc gia Corcovado, Rừng Mây Monteverde và Công viên Quốc gia Tortuguero không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho du khách, mà còn là biểu tượng của sự bảo tồn và quản lý môi trường hiệu quả (Costa Rica Tourism Board, 2023). Tại đây, du khách có cơ hội tham gia vào các hoạt động, như: đi bộ đường dài, khám phá rừng mưa nhiệt đới và quan sát động vật hoang dã, tất cả đều được quản lý chặt chẽ để bảo vệ hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên quý giá.Ngoài rừng nhiệt đới, Costa Rica cũng nổi tiếng với các hoạt động du lịch sinh thái biển, đặc biệt tại các khu vực, như: Công viên Quốc gia Marino Ballena và Bán đảo Osa. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động, như: lặn biển, lặn ngắm san hô và xem cá voi. Đặc biệt, Công viên Quốc gia Tortuguero là nơi nổi tiếng với các chương trình bảo tồn rùa biển, nơi du khách có thể tham gia vào các hoạt động quan sát và bảo vệ rùa biển trong quá trình chúng đẻ trứng. Những hoạt động này không chỉ mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách, mà còn góp phần bảo tồn các loài sinh vật biển đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.Không chỉ tập trung vào thiên nhiên, Costa Rica còn khuyến khích du khách tìm hiểu và tôn trọng văn hóa bản địa. Với sự tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch của các cộng đồng dân tộc bản địa, như: người Bribri và Cabécar, du khách đến đây có cơ hội trải nghiệm và hiểu biết sâu sắc về văn hóa, phong tục và cách sống hòa hợp với thiên nhiên của họ. Điều này không chỉ giúp bảo tồn văn hóa địa phương, mà còn tạo thêm nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng.Ngoài ra, lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng sinh thái cũng là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm xanh tại Costa Rica. Các khu nghỉ dưỡng như: Lapa Rios và Pacuare Lodge nổi tiếng với sự kết hợp hoàn hảo giữa tiện nghi hiện đại và sự thân thiện với môi trường. Chúng được xây dựng bằng vật liệu tự nhiên, sử dụng năng lượng tái tạo và cung cấp các hoạt động du lịch bền vững, như: yoga, thiền và khám phá thiên nhiên. Điều này giúp du khách không chỉ tận hưởng kỳ nghỉ, mà còn cảm nhận được sự gắn kết chặt chẽ với thiên nhiên.Chính sách về phát triển du lịch trải nghiệm xanhNhững chính sách của Chính phủ chính là yếu tố tác động mạnh mẽ nhằm hỗ trợ và phát triển du lịch trải nghiệm xanh, đáng chú ý nhất chính là Chương trình Chứng nhận Du lịch Bền vững (CST). Chương trình này đánh giá và chứng nhận các doanh nghiệp du lịch dựa trên các tiêu chí về quản lý chất thải, sử dụng năng lượng và bảo vệ động thực vật. Những doanh nghiệp được chứng nhận CST thường nhận được sự ưa chuộng từ khách du lịch quốc tế có ý thức về bảo vệ môi trường, tạo nên một mô hình phát triển du lịch bền vững đáng học hỏi. Chính những nỗ lực này đã giúp Costa Rica trở thành một trong những điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch trải nghiệm xanh, đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn thiên nhiên và văn hóa, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cũng được ban hành cho các doanh nghiệp du lịch áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các dự án du lịch xanh, như: xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái, phát triển du lịch cộng đồng và bảo tồn thiên nhiên, đều có thể nhận được hỗ trợ từ Nhà nước, bao gồm: giảm thuế và hỗ trợ vốn đầu tư. Những ưu đãi này giúp giảm chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp, khuyến khích họ thực hiện các dự án thân thiện với môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.Costa Rica đã chứng tỏ mình là một hình mẫu quốc gia tiêu biểu trong việc phát triển du lịch trải nghiệm xanh. Với 8,2% GDP quốc gia đóng góp từ ngành du lịch, du lịch xanh đóng vai trò chủ đạo, thu hút hơn 3 triệu du khách quốc tế mỗi năm. Hơn 25% diện tích đất nước được bảo vệ dưới các hình thức công viên quốc gia và khu bảo tồn, minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Costa Rica trong việc bảo vệ môi trường (Sanchez, J. và Adams, C., 2023). CST đã chứng nhận hàng trăm doanh nghiệp đạt được các tiêu chí an toàn về quản lý chất thải, sử dụng năng lượng và bảo vệ động thực vật, đảm bảo chất lượng và sự bền vững trong hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, du lịch xanh đã tạo ra hơn 200.000 việc làm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là các cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào các dự án bảo tồn (World Bank, 2022). Với 98% nhu cầu điện năng được đáp ứng từ các nguồn năng lượng tái tạo (UNWTO, 2022). Costa Rica không chỉ giảm thiểu tác động môi trường, mà còn củng cố vị thế của mình như một điểm đến du lịch bền vững hàng đầu thế giới, được đánh giá cao bởi các tổ chức quốc tế như National Geographic và Lonely Planet.
Kinh nghiệm của New Zealand
Tiềm năng phát triểnNew Zealand là một trong những điểm đến nổi bật về du lịch trải nghiệm xanh, nơi thiên nhiên hoang sơ được bảo tồn một cách cẩn thận và các hoạt động du lịch được thiết kế trên quan điểm tôn trọng thiên nhiên. Với hệ thống các công viên quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn, New Zealand mang đến cho du khách cơ hội khám phá những cảnh quan hùng vĩ và đa dạng. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đa dạng, New Zealand còn là thiên đường cho những ai yêu thích động vật hoang dã. Quốc gia này là nơi cư trú của nhiều loài chim quý hiếm, như: Kiwi và Kākāpō, thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách và các nhà bảo tồn. Sự quan tâm của du khách quốc tế đến các hoạt động, như: trekking, cắm trại, thám hiểm hang động và khám phá các công viên quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của du lịch trải nghiệm xanh.Các sản phẩm du lịch trải nghiệm xanhMột trong những sản phẩm du lịch nổi bật nhất tại New Zealand là trekking và đi bộ đường dài. Các tuyến đường như: Milford Track và Tongariro Alpine Crossing không chỉ mang đến cơ hội khám phá những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, như: rừng mưa nhiệt đới, thác nước hay các núi lửa hoạt động, mà còn được quản lý chặt chẽ để bảo vệ môi trường. Du khách tham gia các hoạt động này được khuyến khích tuân thủ các nguyên tắc bảo tồn như “Leave No Trace – Không để lại dấu” để giảm thiểu tác động tiêu cực lên hệ sinh thái.Du lịch bảo tồn động vật hoang dã cũng là một sản phẩm du lịch trải nghiệm xanh phổ biến tại quốc gia này. Zealandia là mô hình bảo tồn đầu tiên trên thế giới dành riêng cho việc tái tạo một môi trường sống trước khi con người xuất hiện. Du khách có thể tham quan khu bảo tồn vào ban ngày hoặc ban đêm để quan sát các loài động vật đặc trưng của New Zealand, như: Kiwi, Tuatara và Kaka trong môi trường sống tự nhiên được phục hồi. Ngoài Zealandia, Orokonui cũng là một khu bảo tồn thiên nhiên nơi các loài động vật bản được bảo vệ khỏi các loài săn mồi ngoại lai. Du khách có thể tham gia các tour giáo dục, khám phá khu bảo tồn và tìm hiểu về các chương trình bảo tồn động vật hoang dã.Ngoài việc khám phá thiên nhiên, du khách đến New Zealand còn có cơ hội trải nghiệm sự tiện nghi trong các khu nghỉ dưỡng sinh thái. Các khu nghỉ dưỡng như:Hapuku Lodge ở Kaikoura và Camp Glenorchy gần Queenstown không chỉ cung cấp chỗ ở thoải mái mà còn chú trọng đến việc bảo vệ môi trường. Những khu nghỉ dưỡng này được xây dựng từ các vật liệu bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo và thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải, mang đến cho du khách một kỳ nghỉ thư giãn, mà không gây hại đến môi trường.New Zealand cũng nổi tiếng với các hoạt động du lịch mạo hiểm, nhưng điều đặc biệt ở đây là sự kết hợp giữa mạo hiểm và bền vững. Tại Queenstown, thủ đô của du lịch mạo hiểm, các hoạt động, như: nhảy bungee, leo núi và dù lượn, được tổ chức tại những địa điểm thiên nhiên hoang sơ, với các biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường. Các công ty tổ chức du lịch tại đây cam kết giảm thiểu tác động môi trường bằng cách sử dụng phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường và thực hiện các chương trình tái chế.Tất cả những hoạt động này cho thấy New Zealand không chỉ là một điểm đến du lịch hấp dẫn, mà còn là một hình mẫu về phát triển du lịch bền vững. Các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ văn hóa và xây dựng các trải nghiệm du lịch xanh đã giúp New Zealand không chỉ thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới, mà còn duy trì và phát triển bền vững các tài nguyên quý giá của mình.Chính sách về phát triển du lịch trải nghiệm xanhĐể đảm bảo ngành du lịch trải nghiệm xanh phát triển một cách bền vững, Chính phủ New Zealand đã áp dụng nhiều tiêu chuẩn chặt chẽ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường đồng thời cũng ban hành những chính sách khuyến khích sự phát triển của loại hình du lịch này. Một trong những sáng kiến quan trọng là chương trình Tiêu chuẩn Carbon Zero, trong đó các doanh nghiệp du lịch nỗ lực giảm thiểu hoặc bù đắp lượng khí thải carbon của mình. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn góp phần nâng cao hình ảnh của New Zealand như một điểm đến du lịch xanh trên bản đồ thế giới. Cùng với đó, Chính phủ cũng quản lý nghiêm ngặt các khu vực tự nhiên, hạn chế số lượng du khách và yêu cầu họ tuân thủ các quy tắc bảo vệ môi trường để đảm bảo rằng các khu vực này không bị ảnh hưởng bởi sự phát triển du lịch.Ngoài ra, Chính phủ New Zealand cũng đã thực hiện nhiều chiến dịch nhằm giúp du khách hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong quá trình du lịch. Du khách được khuyến khích tham gia vào các hoạt động du lịch xanh, như: đi bộ đường dài, chèo thuyền Kayak và cắm trại sinh thái. Những chương trình này không chỉ tạo ra những trải nghiệm du lịch mới lạ, mà còn giúp du khách có ý thức hơn về việc bảo vệ thiên nhiên. Để những chính sách này được hỗ trợ một cách tối đa, New Zealand đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ xanh, như: sử dụng năng lượng tái tạo trong các cơ sở lưu trú và vận tải. Điều này giúp giảm thiểu tác động môi trường của ngành du lịch, đồng thời tạo ra các mô hình phát triển du lịch bền vững mà các quốc gia khác có thể học hỏi. Những nỗ lực này đã giúp New Zealand giữ vững vị thế là một điểm đến du lịch xanh và bền vững, đồng thời bảo vệ được vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo của đất nước.Các mô hình du lịch trải nghiệm xanh tại New Zealand đã đạt được những kết quả kinh doanh đáng chú ý, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Ngành du lịch ở New Zealand được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 16,3% hàng năm trong giai đoạn 2022-2032, với giá trị ước tính đạt 10 triệu USD trong năm 2024 (Ministry of Business, Innovation & Employment, 2022). Sự tăng trưởng này tiếp tục được thúc đẩy bởi các sáng kiến và chính sách khuyến khích du lịch bền vững của chính phủ, cùng với sự gia tăng nhận thức của du khách về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và hỗ trợ các cộng đồng địa phương.Kinh nghiệm của Thái Lan
Tiềm năng phát triểnThái Lan với vị thế là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á, có rất nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch trải nghiệm xanh. Thái Lan sở hữu một hệ sinh thái đa dạng và phong phú với nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, rừng nhiệt đới, bãi biển nguyên sơ và hệ sinh thái biển đa dạng. Các vườn quốc gia như: Khao Yai, Erawan, hay khu bảo tồn biển Similan là những điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích thiên nhiên và mong muốn trải nghiệm môi trường sống tự nhiên hoang sơ. Bên cạnh đó, Thái Lan còn có nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng núi phía Bắc. Việc phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp với bảo tồn văn hóa địa phương, không chỉ giúp bảo vệ các giá trị truyền thống, mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Những ngôi làng như Ban Mae Klang Luang ở Chiang Mai hay các cộng đồng ven biển tại Krabi là ví dụ điển hình về cách du lịch bền vững có thể thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, mà không gây hại đến môi trường.Các sản phẩm du lịch trải nghiệm xanhỞ phía Bắc Thái Lan, Chiang Mai được coi như một trung tâm của du lịch sinh thái. Với cảnh quan rừng núi hùng vĩ, Chiang Mai thu hút du khách với những chuyến trekking khám phá rừng nhiệt đới và đặc biệt là các trại voi được vận hành với mục tiêu bảo vệ và chăm sóc động vật hoang dã. Tại những nơi như Elephant Nature Park, thay vì khai thác voi cho mục đích thương mại, du khách sẽ được tham gia vào các hoạt động chăm sóc voi trong môi trường tự nhiên của chúng, từ việc cho ăn, tắm rửa đến học cách chăm sóc voi một cách nhân đạo. Những trải nghiệm này không chỉ mang đến cho du khách những kỷ niệm đáng nhớ, mà còn giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật.Ngoài ra, du khách còn có cơ hội tham gia vào các hoạt động du lịch nông nghiệp và cộng đồng, nơi họ có thể sống cùng người dân địa phương, tham gia vào các hoạt động canh tác và nấu ăn truyền thống. Các làng bản như Mae Kampong đã trở thành những điểm đến nổi tiếng, nơi du khách có thể trải nghiệm cuộc sống bình dị, gắn bó với thiên nhiên. Việc tham gia vào các hoạt động này không chỉ giúp du khách thư giãn mà còn mang lại cho họ cái nhìn sâu sắc về đời sống và văn hóa của người dân Thái Lan, đồng thời hỗ trợ kinh tế cho cộng đồng địa phương thông qua các mô hình du lịch bền vững.Thái Lan cũng biết cách tận dụng tiềm năng của mình khi phát triển du lịch sinh thái biển, đặc biệt tại các đảo phía Nam, như: Koh Samui và Koh Tao. Đây không chỉ là những địa điểm nổi tiếng với vẻ đẹp của bờ cát trắng mịn, làn nước xanh mát, mà còn là trung tâm của các sáng kiến bảo vệ môi trường biển. Du khách đến Koh Tao có thể tham gia vào các hoạt động lặn ngắm san hô, đồng thời góp phần bảo tồn hệ sinh thái biển thông qua các dự án bảo vệ san hô và làm sạch biển. Những sáng kiến này không chỉ bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên quý giá mà còn mang đến cho du khách cơ hội tham gia vào những hoạt động có ý nghĩa, gắn kết chặt chẽ giữa trải nghiệm cá nhân và trách nhiệm bảo vệ môi trường.Ngoài ra, Thái Lan còn nổi bật với nhiều khu nghỉ dưỡng sinh thái sang trọng. Các khu nghỉ dưỡng, như: Soneva Kiri hay Six Senses Yao Noi không chỉ cung cấp những dịch vụ cao cấp, mà còn chú trọng đến việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo và thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải. Ở đây, du khách không chỉ được tận hưởng kỳ nghỉ thoải mái, mà còn có cơ hội học hỏi và tham gia vào các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, từ việc trồng cây, tái chế, đến tham gia các chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường.Chính sách về phát triển du lịch trải nghiệm xanhThái Lan đã triển khai nhiều chính sách và sáng kiến nhằm thúc đẩy du lịch trải nghiệm và một trong những chiến lược chủ đạo là Chiến lược Phát triển du lịch bền vững. Chiến lược này tập trung vào việc bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, và di sản quốc gia, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành du lịch đối với môi trường. Chính phủ Thái Lan khuyến khích các doanh nghiệp du lịch áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, như: sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu rác thải và bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, Thái Lan còn triển khai Chứng nhận Du lịch Xanh, một sáng kiến nhằm thúc đẩy các cơ sở lưu trú, nhà hàng và các dịch vụ du lịch khác áp dụng các thực hành bền vững. Các tiêu chuẩn của chứng nhận này bao gồm quản lý nước, quản lý chất thải, tiết kiệm năng lượng và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây là một bước đi quan trọng trong việc khuyến khích ngành du lịch thực hiện các hành động mang tính bền vững và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, Thái Lan còn thực hiện Chiến dịch “Zero Waste” (Không rác thải) nhằm giảm thiểu rác thải từ các hoạt động du lịch. Chiến dịch này khuyến khích việc tái chế, giảm sử dụng nhựa một lần, và khuyến khích du khách sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.Để bảo vệ các khu vực tự nhiên, Thái Lan cũng ban hành các quy định với những hoạt động du lịch tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia. Những quy định này giới hạn số lượng du khách, xử phạt nghiêm các hành vi xả rác thải và làm tổn hại đến nguồn động thực vật, quy định về các hoạt động du khách được làm, và phát triển các chương trình du lịch sinh thái. Điều này giúp ngăn chặn sự phát triển quá mức gây hại cho môi trường tự nhiên và bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm. Chính phủ Thái Lan khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh trong các khu du lịch nhằm giảm thiểu khí thải carbon. Các phương tiện như: xe điện, xe đạp và các hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Cùng với đó là các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức cho cả người dân địa phương và du khách về tầm quan trọng của du lịch bền vững, giúp mọi người hiểu rõ hơn và có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.Trong những năm gần đây, Thái Lan đã đạt được những con số ấn tượng thể hiện sự thành công trong phát triển hình thức du lịch trải nghiệm xanh. Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) (2023), năm 2022, khoảng 35% du khách quốc tế tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái và bền vững, tăng từ mức 30% vào năm 2019. Sự gia tăng này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của du khách đối với những hình thức du lịch thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ và duy trì các tài nguyên thiên nhiên quý giá của đất nước. Đồng thời, số lượng cơ sở lưu trú đạt chứng nhận Du lịch Xanh cũng đã tăng đáng kể. Tính đến năm 2023, có hơn 700 khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên toàn quốc đã đạt được chứng nhận này, tăng 40% so với năm 2020. Về công tác bảo tồn tài nguyên biển, dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Biển Thái Lan cho thấy, nhờ vào các chương trình bảo vệ và phục hồi san hô, tỷ lệ sống sót của các rạn san hô tại các khu vực, như: Phuket, Koh Samui và Krabi đã tăng lên đến 75% vào năm 2023, so với tỷ lệ 60% vào năm 2020. Những biện pháp, như: hạn chế du lịch tại các khu vực nhạy cảm và triển khai các chương trình phục hồi san hô, đã giúp bảo vệ môi trường biển, đồng thời cải thiện trải nghiệm cho du khách. Trong năm 2023, du lịch bền vững, bao gồm: du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, đã đóng góp khoảng 18 tỷ Baht vào GDP của Thái Lan, tăng 20% so với năm 2022. Những thành tựu này cho thấy, Thái Lan đã và đang đi đúng hướng trong việc phát triển du lịch trải nghiệm xanh, bảo vệ môi trường và tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM
Ngày nay, du khách có xu hướng quan tâm hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến. Khách sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị. Nếu trước đây, du lịch biển theo trào lưu là phổ biến thì những năm gần đây đã chuyển hướng sang nghỉ dưỡng ở núi, trải nghiệm văn hóa địa phương.
Khách du lịch thế hệ mới là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường, vì vậy xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ cũng đang trở nên thịnh hành. Với các điểm đến thân thiện môi trường, điểm đến gần gũi với thiên nhiên, con người tìm được về với cội nguồn cũng như nét văn hóa đặc sắc địa phương.
Hơn nữa, Việt Nam là một đất nước có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch xanh với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng với các di tích lịch sử. Từ năm 2017, ở Hội An xuất hiện tour du lịch chèo thuyền Kayak du ngoạn kết hợp vớt rác trên sông Hoài do Công ty Du lịch Hội An Kayak giới thiệu đã rất thu hút du khách. Chi phí cho một tour như thế này là 10 USD/khách, chèo thuyền 4 giờ đồng hồ vừa ngắm cảnh vừa vớt rác. Nhiều du khách trong nước, quốc tế ban đầu vì tò mò mà tham gia, sau đó thực sự rất hào hứng. Hoạt động đầy ý nghĩa này cũng dần dần thu hút đông đảo người dân địa phương cùng tham gia vớt rác với du khách (PV, 2019).Tour này đã góp phần bảo vệ môi trường sống Hội An, đặc biệt là vùng hạ lưu sông Thu Bồn, nơi có rừng dừa ngập mặn với hệ sinh thái đa dạng và là vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Hội An cũng là một trong những địa phương tiên phong giảm rác thải nhựa, xây dựng môi trường du lịch thân thiện.Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lại thực hiện du lịch có trách nhiệm, hướng dẫn khách du lịch bảo vệ môi trường khi tham gia tour đi rừng, leo núi, như: tour thám hiểm hang động tại Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình); xây dựng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là làm sạch môi trường…Từ thực tế phát triển du lịch trải nghiệm xanh tại Việt Nam và phân tích những thành công của Costa Rica, New Zealand và Thái Lan trong việc phát triển loại hình du lịch này, tác giả rút ra một số bài học, cũng chính là giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm xanh tại Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể như sau:Nhóm giải pháp xây dựng chính sách khuyến khích phát triển du lịch trải nghiệm xanh
Xây dựng và triển khai chiến lược du lịch bền vững quốc giaViệt Nam cần xây dựng một chiến lược du lịch bền vững toàn diện, bao gồm việc bảo tồn các hệ sinh thái quan trọng, như: rừng ngập mặn, rạn san hô, và các khu vực núi cao. Việc phát triển các tiêu chuẩn chứng nhận xanh cho các điểm đến du lịch sẽ giúp nâng cao nhận thức và khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ các thực hành bảo vệ môi trường.Khuyến khích du lịch cộng đồng và bảo tồn văn hóa bản địaHọc hỏi từ Thái Lan, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Việc khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch không chỉ giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho người dân. Cần có các chương trình đào tạo và hỗ trợ cho người dân địa phương về kỹ năng du lịch, quản lý và bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo rằng, họ có thể tham gia một cách hiệu quả và bền vững vào ngành du lịch xanh. Các mô hình homestay, tham quan làng nghề truyền thống, và tham gia vào các lễ hội văn hóa địa phương là những cách hiệu quả để kết nối du khách với văn hóa bản địa và bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo.Phát triển hệ thống quản lý và bảo vệ các khu bảo tồn và vườn quốc giaCác vườn quốc gia và khu bảo tồn cần được tăng cường quản lý bằng cách áp dụng các quy định rõ ràng và giới hạn số lượng du khách. Việc đào tạo hướng dẫn viên địa phương về bảo vệ môi trường và tổ chức các chương trình du lịch sinh thái có kiểm soát sẽ giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nâng cao nhận thức của du khách về bảo tồn.Phát triển cơ sở hạ tầng xanh và thân thiện với môi trườngChúng ta nên có những chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, hỗ trợ việc triển khai các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường và các cơ sở lưu trú bền vững. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thu hút du khách quan tâm đến du lịch xanh.Nhóm giải pháp xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm xanh
Khai thác và bảo tồn đa dạng sinh họcViệt Nam sở hữu nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn biển và rừng ngập mặn có giá trị sinh thái cao. Để phát triển du lịch xanh, Việt Nam cần khai thác các nguồn tài nguyên này một cách bền vững thông qua các tour du lịch sinh thái, đi bộ đường dài, quan sát động vật hoang dã, và tham gia các chương trình bảo tồn thiên nhiên.Xây dựng nhiều tour du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địaCác sản phẩm du lịch cộng đồng có thể được phát triển tại các vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và các khu vực ven biển miền Trung. Các sản phẩm này có thể bao gồm tham quan các làng truyền thống, học làm nông nghiệp, tham gia các lễ hội địa phương, và trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân. Việc này sẽ giúp du khách có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa và lối sống địa phương, đồng thời thúc đẩy bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng.Xây dựng các tour du lịch bảo tồn kết hợp nghiên cứu thiên nhiênViệt Nam có thể phát triển các chương trình du lịch bảo tồn, mời gọi sự tham gia của các nhà khoa học, sinh viên và du khách có ý thức về bảo vệ môi trường. Các chương trình như bảo vệ san hô ở Phú Quốc, nghiên cứu về rùa biển ở Côn Đảo và bảo vệ các loài động vật quý hiếm ở Cát Tiên có thể thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và đóng góp vào nỗ lực bảo tồn.Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong phát triển du lịch trải nghiệm xanhThái Lan đã thành công trong việc khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tham gia vào phát triển du lịch bền vững thông qua các chính sách hỗ trợ và ưu đãi. Chúng ta cũng nên có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp như giảm thuế, hỗ trợ tài chính, và công nhận các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn du lịch bền vững. Những chính sách này sẽ tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch trải nghiệm thân thiện với môi trường.Nhóm giải pháp khuyến khích sự đồng hành của cộng đồng địa phương
Đào tạo và nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phươngSự tham gia của cộng đồng địa phương là một yếu tố vô cùng quan trọng để các sản phẩm du lịch trải nghiệm trở nên chân thực, cũng là một cơ hội để tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Việt Nam có thể tổ chức các chương trình đào tạo tương tự, cung cấp kiến thức về du lịch xanh, bảo vệ môi trường và kỹ năng kinh doanh cho cộng đồng địa phương. Điều này sẽ giúp họ tự tin hơn khi tham gia vào các hoạt động du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, mang bản sắc văn hóa địa phương.Tạo cơ hội tham gia kinh doanh và chia sẻ lợi ích kinh tếCác quốc gia như Thái Lan hay Costa Rica đã thúc đẩy mô hình du lịch cộng đồng, nơi người dân địa phương không chỉ tham gia vào các hoạt động du lịch, mà còn được hưởng lợi từ các nguồn thu nhập này. Các chương trình hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng đã tạo ra những cơ hội kinh tế mới cho người dân địa phương. Đây cũng là một bài học thành công mà Việt Nam nên cân nhắc để lựa chọn. Chúng ta có thể xây dựng các mô hình hợp tác tương tự, khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động như hướng dẫn viên du lịch, cung cấp dịch vụ lưu trú homestay, sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Việc chia sẻ lợi ích kinh tế từ du lịch sẽ tạo động lực cho người dân tham gia tích cực vào việc bảo vệ và phát triển tài nguyên du lịch một cách bền vững.Khuyến khích bảo tồn văn hóa và truyền thống địa phươngỞ New Zealand, người dân bản địa Māori đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống thông qua các sản phẩm du lịch trải nghiệm. Các hoạt động du lịch văn hóa được thiết kế để tôn vinh và truyền tải những giá trị văn hóa đặc sắc của người Māori, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập cho cộng đồng. Việt Nam có thể học hỏi bằng cách phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên văn hóa và truyền thống địa phương, khuyến khích người dân tham gia trực tiếp vào việc tổ chức và trình diễn các hoạt động này. Những hoạt động như: tham quan các làng nghề truyền thống, tham gia vào các lễ hội dân gian và trải nghiệm ẩm thực địa phương sẽ giúp bảo tồn văn hóa và tạo ra trải nghiệm độc đáo cho du khách./.TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Costa Rica Tourism Board (2023), Sustainable Tourism Strategy and Policies, retrieved from https://www.visitcostarica.com.2. Furqan, Alhilal, Som, Ahmad Puad Mat, Hussin, Rosazman (2010), Theoretical and Empirical Researches in Urban Management, Bucharet, 17, 11/2010, 64-74.3. Green Lodging News (2023), Increase in Eco-certified Hotels in Thailand, retrieved from https://www.greenlodgingnews.com.4. Ministry of Business, Innovation & Employment (MBIE) (2022), New Zealand Tourism Strategy: Fostering Sustainable and Experiential Tourism Growth, retrieved from https://www.mbie.govt.nz.5. Ministry of Natural Resources and Environment of Thailand (2023), Community Engagement in Environmental Protection: Survey Results, Bangkok, Thái Lan.6. New Zealand Tourism Board (2023), Tourism New Zealand: Annual Report on Adventure and Experience-Based Tourism, retrieved from https://www.tourismnewzealand.com.7. New Zealand Department of Conservation (DOC) (2022), Promoting Ecotourism: Conservation and Experience Tourism in National Parks, retrieved from https://www.doc.govt.nz.8. PV (2019), Du lịch xanh – hướng phát triển bền vững của du lịch Việt Nam, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/du-lich-xanh-huong-phat-trien-ben-vung-cua-du-lich-viet-nam-post615188.vnp.9. Sanchez, J., Adams, C. (2023), The Growth of Adventure Tourism in Costa Rica: Balancing Conservation and Visitor Experience, Journal of Ecotourism, 19(4), 297-314.10. United Nations World Tourism Organization (UNWTO) (2022), Sustainable Tourism Indicators and Case Studies: Costa Rica’s Ecotourism Success, retrieved from https://www.unwto.org.11. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) (2022), Annual Tourism Statistics, retrieved from https://www.tourismthailand.org.12. Thai Marine Institute (2023), Coral Reef Conservation and Restoration Programs Report, retrieved from https://www.thaimarineinstitute.org.13. Tourism Industry Aotearoa (TIA) (2023), Adventure Tourism in New Zealand: Market Trends and Policy Recommendations.14. World Bank (2022), Economic Contributions of Adventure and Experiential Tourism in New Zealand, retrieved from https://www.worldbank.org.15. World Bank (2022), Costa Rica: Sustainable Tourism as a Pillar of Economic Growth, retrieved from https://www.worldbank.org.Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo