Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch sinh thái ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ
TCCT – Bài báo nghiên cứu “Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch sinh thái ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ” do Lê Hồng Cẩm – Tạ Kim Nhiên – Lý Mỷ Tiên – Nguyễn Mai Quốc Việt (Trường Đại học Cần Thơ)
Tóm tắt:
Sự gia tăng các vấn đề môi trường do việc mở rộng du lịch đại chúng đã nâng tầm quan trọng của sự phát triển bền vững trong Du lịch sinh thái (DLST) ở Việt Nam. Rất nhiều nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của DLST và tác động của nó đến sự bền vững của các doanh nghiệp du lịch.
Do đó, nghiên cứu này nhằm đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển DLST ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ (TP. Cần Thơ) thông qua việc cung cấp các nghiên cứu phản biện lý thuyết và nghiên cứu sơ bộ của tác giả. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp nhiều thông tin cho mối quan hệ tích cực giữa 6 yếu tố tới sự phát triển DLST ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
Đặc biệt, có 6 giả thuyết được xây dựng dựa trên các công trình học thuật ban đầu. Theo đó, một cuộc khảo sát đã được thực hiện thông qua 150 người trả lời hợp lệ. Phân tích Tương quan và Hồi quy được thực hiện để kiểm tra các giả thuyết. Kết quả cho thấy cả 6 giả thuyết đều có mối quan hệ tích cực mạnh mẽ với sự phát triển của DLST. Cuối cùng, tác giả đưa ra các đề xuất nhằm phát triển DLST bền vững tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
Từ khóa: du lịch sinh thái, nhân tố ảnh hưởng, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
1. Đặt vấn đề
Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Du lịch không chỉ mang lại thu nhập cho người dân và ngân sách nhà nước, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên và con người của Việt Nam. Du lịch cũng là cầu nối giao lưu, hợp tác và hòa bình với các nước trên thế giới. Du lịch ở Việt Nam có tiềm năng lớn nhờ sự đa dạng về địa hình, khí hậu, di sản và con người.
Trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì Cần Thơ là một trong những tỉnh được thiên nhiên ưu ái về tài nguyên thiên nhiên đa dạng phong phú với các vườn cây ăn trái bạt ngàn xanh tốt quanh năm, phong phú về chủng loại, phù hợp để phát triển du lịch sinh thái sinh thái, sông nước. Huyện Phong Điền thuộc TP.
Cần Thơ là địa phương có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất và được mệnh danh là vùng đất “văn minh sinh thái” nằm ở phía Nam của trung tâm thành phố. Do đó, TP. Cần Thơ đã xác định phát triển DLST ở huyện Phong Điền là một trong những mục tiêu quan trọng, vì đây là nơi tập trung nhiều điểm và khu du lịch nhất.
Bên cạnh đó, nơi đây còn có một số hộ làm nghề thủ công truyền thống phục vụ cho hoạt động du lịch như đan lát, cùng các làng nghề ẩm thực với các món ăn dân gian, rượu trái cóc, rượu Phong Điền, rượu Trường Long. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình vườn trái cây và chăn nuôi như mô hình trồng ổi lê, cam mật, dâu hạ châu, cacao, nuôi ếch…
Mặc dù DLST đang dần mở rộng và trở thành loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch khi đến với TP. Cần Thơ nói chung và huyện Phong Điền nói riêng. Tuy nhiên, DLST cũng đang gặp phải nhiều thách thức và khó khăn trong quá trình phát triển tại đây.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển DLST ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ” rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn đối với các cấp chính quyền địa phương, cấp quản lý du lịch, các hộ nông dân, nhằm tìm ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để khắc phục những hạn chế, tăng sự hài lòng để giữ chân du khách và tận dụng những cơ hội để phát triển DLST một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai.
2. Tổng quan nghiên cứu
Từ những thập niên 90 của thế kỉ XX, du lịch đã trở thành một ngành dịch vụ không kém phần quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia. Cùng với nền kinh tế thị trường thời kì hội nhập, đã làm cho đời sống của người dân ngày một tăng lên. Nhu cầu về du lịch cũng như nghiên cứu về DLST ngày càng nhiều, tiểu biểu có các công trình nghiên cứu như:
Tác giả David A. Fennell trong “Ecotourism” (2007), nghiên cứu toàn diện về lĩnh vực du lịch sinh thái, một hình thức du lịch bền vững và có trách nhiệm với môi trường. Cuốn sách cũng đề cập đến vai trò của các bên liên quan, như chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng và khách du lịch, trong việc phát triển và quản lý du lịch sinh thái một cách hiệu quả bền vững và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.
DLST ngày càng hấp dẫn du khách và đang là một hướng phát triển du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, những công trình nghiên cứu, đề tài khoa học, luận án, luận văn về loại hình du lịch này ngày càng nhiều. Liên quan đến sinh thái và DLST trong thời gian vừa qua đã có nhiều công trình nghiên cứu ở các khía cạnh khác nhau, như:
Tại Cần Thơ, DLST đã được quan tâm với các dự án cụ thể như: Năm Du lịch Quốc gia Mêkông – Cần Thơ 2008 cũng đã được tổ chức tại đây với chủ đề: “Sinh thái sông nước Cửu Long” đã diễn ra hoành tráng, đậm nét văn hóa lịch sử, truyền thống của đất phương Nam, giới thiệu tiềm năng phát triển DLST của TP. Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Bên cạnh những công trình nghiên cứu, các đề xuất và giải pháp của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về du lịch còn có những hội thảo diễn ra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long điển hình là “Hội thảo Quốc gia về phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch – Vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái” diễn ra vào ngày 21/4/2010 tại Tiền Giang.
Nội dung tham luận của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu du lịch, nhà kinh doanh du lịch và nhà vườn đã đánh giá đúng tình hình thực tế DLST sông nước ĐBSCL. Tuy vậy, bên cạnh những mặt đạt được, DLST vẫn còn nhiều hạn chế, như: cơ sở hạ tầng kém, hoạt động kinh doanh du lịch còn đơn điệu, đội ngũ tiếp viên chưa chuyên nghiệp, các hoạt động lưu trú, vui chơi giả trí chưa được đầu tư đúng mức.
Tác giả Lê Hồng Cẩm (2020), trong nghiên cứu “Xây dựng chương trình tiếp thị thành công cho du lịch sinh thái tại Việt Nam – Góc nhìn sâu sắc dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ cũng đã đề cập đến 7 yếu tố liên quan đến công tác quảng bá phát triển DLST ở huyện Phong Điền.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên đây chủ yếu giới thiệu khái quát về Cần Thơ và ĐBSCL, các tác giả ít giả chú ý đến giá trị sản phẩm các vườn cây ăn trái và về DLST tại Phong Điền. Tính tới thời điểm hiện nay chưa có công trình nào nghiên cứu nào về các điều kiện phát triển DLST tại huyện phong điền TP. Cần Thơ.
Tuy nhiên, các công trình nêu trên vừa là gợi ý, vừa là nguồn tư liệu quý giá để tác giả thực hiện đề tài “Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển DLST ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ”, từ đó có thể ứng dụng vào hoạt động thực tiễn cho việc phát triển DLST tại Cần Thơ.
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Phương pháp thu thập và xử lí dữ liệu thứ cấp và sơ cấp
Thu thập những tài liệu, tư liệu thứ cấp có liên quan đến đối tượng nghiên cứu từ các nguồn khác nhau, như: sách báo, các phương tiện truyền hình, các trang mạng xã hội (internet). Bên cạnh đó, thực hiện thu thập dữ liệu sơ cấp thông qua bảng câu hỏi để phục vụ cho việc nghiên cứu.
3.2. Kỹ thuật lấy mẫu
Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua cả 2 hình thức: trực tiếp (gửi bảng câu hỏi khảo sát trực tiếp cho khách du lịch tham quan tại các khu và điểm DLST tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ và trực tuyến (bằng công cụ Google Biểu mẫu – Google From). Địa chỉ liên kết (link) của biểu mẫu được gửi trực tiếp qua thư điện tử (email) và các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram và Zalo để thu thập thông tin và đánh giá của khách du lịch.
3.3. Phương pháp phân tích dữ liệu từ bảng câu hỏi
Dữ liệu sơ cấp sau khi được thu thập đầy đủ 150 bảng câu hỏi từ khách du lịch nội địa, tác giả tiến hành lọc, mã hóa, nhập liệu và phân tích trên phần mềm SPSS 20.0 for Windows. Các phương pháp phân tích dữ liệu từ phần mềm, bao gồm: phương pháp thống kê mô tả (Descriptive Statistics), phương pháp đánh giá độ tin cậy thang đo (Scale Reliability Analysis), phương pháp phân tích nhân tố khám phá (Exploratory Factors Analysis – EFA) và phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính đa biển.
Từ Hình 1, tác giả phát biểu các giả thuyết cho mô hình nghiên cứu của mình, như sau:
Giả thuyết 1 (H1): Tồn tại mối quan hệ tương quan cùng chiều giữa yếu tố sản phẩm du lịch với các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch tại các khu và điểm DLST ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
Giả thuyết 2 (H2): Tồn tại mối quan hệ tương quan cùng chiều giữa yếu tố cơ sở hạ tầng với các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch tại các khu và điểm DLST ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
Giả thuyết 3 (H3): Tồn tại mối quan hệ tương quan cùng chiều giữa yếu tố an toàn, an ninh với các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch tại các khu và điểm DLST ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
Giả thuyết 4 (H4): Tồn tại mối quan hệ tương quan cùng chiều giữa yếu tố vệ sinh môi trường với các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch tại các khu và điểm DLST ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
Giả thuyết 5 (H5): Tồn tại mối quan hệ tương quan cùng chiều giữa yếu tố nguồn nhân lực, với các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch tại khu và điểm DLST ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
Giả thuyết 6 (H6): Tồn tại mối quan hệ tương quan cùng chiều giữa yếu tố giá cả dịch vụ với các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch tại khu và điểm DLST ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
Để đo lường các tiêu chí trong mô hình nghiên cứu, đề tài sử dụng thang đo Likert 5 mức độ: (1) Rất không đồng ý, (2) Không đồng ý, (3) Trung lập, (4) Đồng ý, (5) Rất đồng ý, cho các biến quan sát. Tác giả đã sử dụng 6 tiêu chí và 27 biến đo lường để đánh giá yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch tại các khu và điểm DLST ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
4. Kết quả và thảo luận
4.1. Các khu và điểm DLST mà du khách đến tại huyện Phong Điền
Một trong những đặc trưng của DLST ở Cần Thơ là sự đa dạng và phong phú của các khu và điểm du lịch. Tác giả đã chọn ra 10 khu và điểm du lịch tiêu biểu ở huyện Phong Điền để khảo sát. Theo kết quả khảo sát, khu du lịch Mỹ Khánh được đánh giá cao nhất với tỷ lệ 64%, do có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí và trải nghiệm văn hóa địa phương.
Làng du lịch sinh thái Ông Đề là một điểm du lịch mới mẻ và hấp dẫn với tỷ lệ là 60%, do có nhiều dịch vụ lưu trú, ẩm thực. Cantho Eco Resort mặc dù là đơn vị mới nhưng chiếm 43,3% lượng khách tham quan với đa dịch vụ từ vui chơi, ẩm thực, lưu trú, nông trại và đặc biệt là cảnh quan được đầu tư bài bảng. Các khu và điểm du lịch còn lại có tỷ lệ dao động từ 14,7% đến 34,3%, tùy thuộc vào các yếu tố như cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, giá cả và sự độc đáo của sản phẩm.
Bảng 1. Địa điểm tham quan khách du lịch quan tâm
4.2. Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch tại các khu và điểm DLST ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ
Để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của DLST ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, mô hình giả định được lập ra với 6 thang đo độc lập gồm 27 biến quan sát với thang đo như sau:
+ Giá trị trung bình 1,00 – 1,50: Rất không đồng ý
+ Giá trị trung bình 1,51 – 2,50: Không đồng ý
+ Giá trị trung bình 2,51 – 3,50: Trung lập
+ Giá trị trung bình 3,51 – 4,50: Đồng ý
+ Giá trị trung bình 4,51 – 5,00: Rất đồng ý
Về sản phẩm du lịch
Theo kết quả phân tích, cho thấy thang đo “Sản phẩm du lịch” đạt ở mức độ đồng ý (Meantb =3,82). Cụ thể như Bảng 2.
Bảng 2. Đánh giá của du khách về nhân tố sản phẩm du lịch
Trong số các sản phẩm du lịch, SP3 (M=4.05) được du khách đồng ý ở mức cao so với 4 sản phẩm du lịch còn lại, vì nơi đây có những món ăn phong phú và hấp dẫn, thể hiện nét văn hóa và sự sáng tạo của người dân.
Theo sau đó là SP4 (M=3.81) với nhiều hoạt động như du thuyền, tham quan làng nghề, học cách làm bánh từ gạo hay giao lưu với người bản xứ được nhiều du khách đồng ý. Các sản phẩm còn lại: SP1 (M=3.79), SP5 (M=3.77) và SP2 (M=3.77) cũng được du khách ưa thích và đánh giá ở mức đồng ý.
Về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kĩ thuật phục vụ du lịch
Theo kết quả phân tích, cho thấy thang đo “Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kĩ thuật phục vụ du lịch” đạt ở mức độ đồng ý (Meantb = 3,73). Cụ thể:
Bảng 3. Đánh giá của du khách về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kĩ thuật phục vụ du lịch
Kết quả khảo sát du khách cho thấy, du khách đánh giá ở mức đồng ý cao nhất yếu tố CS2 (M=4.00). Điều này có nghĩa, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động khi các điểm du lịch này nằm ở gần nhau, liên kế tạo thành các tuyến, góp phần thúc đẩy du lịch ở Phong Điền.
Yếu tố CS3 (M=3.75) cũng được du khách đánh giá ở mức tốt. Đây là yếu tố quan trọng để tạo ấn tượng tốt và khẳng định thương hiệu của các đơn vị kinh doanh lữ hành. Yếu tố CS1 (M=3.61) cũng được sự đánh giá của du khách ở mức đồng ý, vì hiện tại hệ thống đường giao thông ở huyện Phong Điền càng ngày được nâng cấp, thuận tiện và dễ dàng trong việc di chuyển và đỗ xe.
Cuối cùng, du khách cũng chú ý đến các dịch vụ hỗ trợ như CS4 (M=3.56). Những dịch vụ này đáp ứng tốt nhu cầu của du khách, giúp du khách có thể liên lạc, giải trí và thực hiện các nhu cầu cá nhân một cách tốt nhất.
Về an toàn, an ninh
Theo kết quả phân tích, cho thấy thang đo “An toàn, an ninh” đạt ở mức độ đồng ý (Meantb =3,58). Cụ thể như Bảng 4.
Bảng 4. Đánh giá của du khách về nhân tố an toàn, an ninh
Theo kết quả khảo sát, 4 yếu tố: AT1, AT2, AT5, AT6 được du khách đánh giá ở mức độ đồng ý. Tuy nhiên ở 2 yếu tố còn lại là AT3, AT4 được du khách đánh giá ở mức bình thường, vì các vấn đề này vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ DLST. Đây là những yếu tố quan trọng liên quan đến an ninh, trật tự và sự an toàn của du khách khi tham quan du lịch. Do đó, cần có những biện pháp cải thiện và giải quyết những khó khăn này để nâng cao hài lòng của du khách và bảo vệ hình ảnh của điểm đến.
Về vệ sinh môi trường
Theo kết quả phân tích, cho thấy thang đo “Vệ sinh môi trường” đạt ở mức độ đồng ý (Meantb =3,52). Cụ thể như Bảng 5.
Bảng 5. Đánh giá của du khách về nhân tố vệ sinh môi trường
Cả 2 yếu tố: VS3 (M=3.94) và VS1 (M=3.76) được du khách đánh giá ở mức tốt vì đa phần các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thực phẩm đều tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; môi trường tại các điểm tham quan được bảo vệ tốt, chưa bị ô nhiễm. Các điểm tham quan cũng được đánh giá có cảnh quan đẹp, thiên nhiên tươi xanh, không khí trong lành, mang lại cảm giác thư giãn và thoải mái cho du khách.
Hai yếu tố còn lại là VS4 (M=3.41) và VS2 (M=2.97) được du khách đánh giá ở mức độ trung bình, đây là những yếu tố này không quá quan trọng hoặc không được thực hiện tốt trong quá trình du lịch ở các điểm du lịch, gây ra những hậu quả tiêu cực cho môi trường và chất lượng dịch vụ du lịch.
Về nguồn nhân lực
Theo kết quả phân tích, cho thấy thang đo “Nguồn nhân lực” đạt ở mức độ đồng ý (Meantb =4,00). Cụ thể như Bảng 6.
Bảng 6. Đánh giá của du khách về nguồn nhân lực
Theo kết quả khảo sát, cả 3 yếu tố NL3 (M=4.14); NL2 (M=3.99), NL1 (M=3,86) đều được đánh giá ở mức tốt, vì nguồn nhân lực phụ vụ du lịch ở huyện Phong Điền đang ngày càng nâng cao chất lượng và đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch. Đây là một trong những điểm sáng của ngành Du lịch huyện Phong Điền trong bối cảnh du lịch đang phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh gay gắt.
Về giá cả dịch vụ
Theo kết quả phân tích, cho thấy thang đo “Giá cả dịch vụ” đạt ở mức độ đồng ý (Meantb =3,60). Cụ thể như Bảng 7.
Bảng 7. Đánh giá của du khách về giá cả dịch vụ
Trong 5 yếu tố về giá cả dịch vụ, có 4 yếu tố từ kết quả khảo sát được du khách đánh giá ở mức độ đồng ý. Đó là GC5 (M=3.68); GC1 (M=3.64); GC3 (M=3,62); GC4 (M=3,61), với mức thu nhập từ trung bình khá trở lên, du khách cảm thấy hài lòng với mức giá cả và chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch và không có sự chênh lệch quá lớn giữa các yếu tố.
Tuy nhiên cũng còn 1 yếu tố là GC2 (M=3,43) được du khách đánh giá ở mức độ trung lập, có thể do sự thiếu đồng bộ và minh bạch trong việc quy định và áp dụng giá cả.
Đánh giá chung
Bảng 8. Đánh giá của du khách về khả năng quay lại điểm đến
Theo kết quả khảo sát đối với câu hỏi “Khả năng Quý Anh/Chị sẽ quay lại tham quan các khu và điểm DLST ở huyện Phong Điền TP. Cần Thơ?”, có thể thấy được sự hài lòng của du khách đối với các dịch vụ du lịch ở đây. Hơn 1/5 số người tham gia khảo sát (59,4%) cho biết họ có hoặc chắc chắn có ý định quay lại tham quan các khu và điểm DLST ở huyện Phong Điền.
Đây là một con số khá cao, cho thấy các khu và điểm DLST ở huyện Phong Điền có nhiều điểm thu hút và làm hài lòng du khách. Một tỷ lệ không nhỏ (32,7%) cho biết họ chưa biết có quay lại hay không, có thể do họ còn muốn khám phá những địa điểm du lịch khác hoặc do họ chưa có kế hoạch cụ thể cho những chuyến du lịch tiếp theo.
Chỉ có một tỷ lệ nhỏ (8%) cho biết họ không hoặc chắc chắn không quay lại tham quan các khu và điểm DLST ở huyện Phong Điền. Có thể do họ không cảm thấy phù hợp với phong cách du lịch ở đây hoặc do họ gặp một số vấn đề không mong muốn trong quá trình du lịch.
4.3. Phân tích các nhân tố
Đánh giá độ tin cậy thang đo
Theo kết quả đánh giá độ tin cậy thang đo cho thấy toàn bộ 6 thang đo và 27 biến quan sát đều đảm bảo độ tin cậy với hệ số Cronbach’s Alpha dao động từ 0,765 đến 0,894 và tổng hiệu chỉnh dao động từ 0,474 đến 0,824. Vì vậy, không có biến quan sát nào bị loại khỏi mô hình nghiên cứu, đảm bảo được độ tin cậy và có thể tiến hành phân tích nhân tố khám phá.
Phân tích nhân tố khám phá
Theo kết quả kiểm định KMO và Bartlett’s cho thấy hệ số KMO = 0,930 thỏa mãn điều kiện KMO > 0,5. Kết quả giá trị Sig. của kiểm định Bartlett’s = 0,000 < 0,05 (có ý nghĩa thống kê). Tổng phương sai tích lũy của dữ liệu nghiên cứu là 64.952% >50%. Như vậy, dữ liệu thích hợp để phân tích nhân tố khám phá.
Dựa vào bảng ma trận xoay (Ratated Component Matrix), tác giả tìm được 3 nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển DLST tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, các biến quan sát trong từng nhân tố có hệ số tải từ 0,548 đến 0,809 gồm: An toàn an ninh, vệ sinh môi trường và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; Sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất – kĩ thuật du lịch và giá cả; Nguồn nhân lực phục vụ du lịch và khả năng liên kế các điểm đến.
Phân tích hồi quy
Để xác định các nhân tố đó có thật sự ảnh hưởng hay không và cường độ ảnh hưởng của từng nhân tố, tác giả đã sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính đa biến để tiến hành kiểm định.
Kết quả kiểm định cho thấy :
- Giá trị R2 hiệu chỉnh = 0.693, như vậy biến độc lập giải thích được 69,3% sự biến thiên của biến phụ thuộc;
- Giá trị Sig. của kiểm định F ở bảng ANOVA = 0.00 nhỏ hơn 0.05;
- Hệ số phóng đại phương sai (VIF) của từng nhân tố ở bảng Coefficients ≤ 2;
- Hệ số tương quan chuỗi bậc nhất (Durbin-Watson) ở mức ý nghĩa 5% bằng 2.039, có giá trị nằm trong khoảng từ 1,5 đến 2,5, không có sự tương quan chuỗi bậc nhất trong mô hình, vì vậy dữ liệu thích hợp để phân tích hồi quy tuyến tính.
Kết quả phân tích cho thấy 3 nhân tố thật sự ảnh hưởng đến sự phát triển DLST tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ gồm: Sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất – kĩ thuật du lịch và giá cả” có ảnh hưởng mạnh nhất đối với sự phát triển du lịch tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Mức độ ảnh hưởng của các nhân tố khác theo thứ tự giảm dần là “An toàn an ninh, vệ sinh môi trường và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch” và “Nguồn nhân lực phục vụ du lịch và khả năng liên kế các điểm đến”.
5. Giải pháp phát triển du lịch sinh thái ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ
5.1. Mở rộng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của huyện
DLST ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, có nhược điểm là phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ của các loại trái cây. Để khắc phục nhược điểm này, cần đa dạng hóa các loại trái cây, trồng xen lẫn giữa các vườn, tạo ra sự phong phú và hấp dẫn cho du khách; Có thể tận dụng các loại trái cây có thể thu hoạch quanh năm, như bưởi, cam, xoài, sầu riêng,…;
Liên kết các nhà vườn với nhau, tạo ra các tuyến du lịch kết hợp nhiều loại trái cây, tăng cường sự hấp dẫn và thu hút du khách; Tận dụng các sản phẩm phụ của trái cây, như rượu, mứt, nước ép, để tạo ra các sản phẩm đặc sản và lưu niệm cho du khách.
5.2. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch
Giải pháp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ là một vấn đề quan trọng và cấp thiết. Để thúc đẩy ngành Du lịch của địa phương, cần có những biện pháp sau:
- Tăng cường đầu tư xây dựng và nâng cấp các tuyến đường giao thông nối liền các điểm du lịch trong và ngoài huyện, đảm bảo an toàn và thuận tiện cho người dân và du khách.
- Cải thiện hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai để phát triển DLST ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ bằng cách xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường.
5.3. Bình ổn giá cả hợp lý tại các điểm tham quan sinh thái
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm về giá cả, chất lượng dịch vụ tại các điểm tham quan sinh thái. Có thể thiết lập một đường dây nóng để du khách có thể phản ánh những bất cập, sai phạm về giá cả, chất lượng dịch vụ tại các điểm tham quan sinh thái và được xử lý kịp thời, công khai.
Thông tin minh bạch về giá cả, chất lượng dịch vụ tại các điểm tham quan sinh thái trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, website du lịch để du khách có thể tham khảo và lựa chọn.
Khuyến khích các điểm tham quan sinh thái áp dụng chính sách ưu đãi, giảm giá cho du khách theo nhóm, theo mùa, theo ngày trong tuần để thu hút khách hàng và tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Áp dụng mức giá ưu đãi cho du khách đặt tour trước, cho du khách đến vào ngày thường hoặc vào mùa ít khách, cho du khách mua nhiều sản phẩm đặc sản tại các điểm tham quan sinh thái.
Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch và các điểm tham quan sinh thái để đồng bộ hóa giá cả, chất lượng dịch vụ và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn cho du khách. Thiết kế các tour du lịch kết hợp nhiều hoạt động trải nghiệm như hái trái cây, làm bánh trái cây, ngắm cảnh sông nước.
5.4. Bảo đảm an toàn, an ninh tại các khu và điểm du lịch sinh thái
Thường xuyên tổ chức các đội tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ mất an toàn, an ninh cao, như những nơi tập trung nhiều du khách, có nhiều tài sản quý giá, có khả năng xảy ra cháy nổ, lũ lụt, sạt lở bờ…
Nâng cao ý thức và trách nhiệm của chủ trang trại trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch…
Khuyến khích và hỗ trợ các trang trại sử dụng các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh hiện đại và hiệu quả, như lắp đặt camera giám sát, hệ thống báo động, bảo hiểm tài sản…
5.5. Bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường
Tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi xả rác, thải chất thải gây ô nhiễm vào sông, kênh, rạch. Có thể lắp đặt các biển báo cảnh báo, thiết lập các điểm thu gom rác thải, áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính hoặc hình sự đối với những người vi phạm.
Thực hiện chương trình phân loại rác thải tại nguồn, thu gom và xử lý rác thải theo quy trình an toàn, không gây ô nhiễm môi trường bằng cách như cung cấp các loại thùng rác có màu sắc khác nhau để phân loại rác thải theo loại, như rác tái chế, rác hữu cơ, rác không tái chế; hợp tác với các đơn vị chuyên nghiệp để tiêu hủy hoặc tái chế rác thải một cách hiệu quả.
Khuyến khích du khách sử dụng các loại túi, bao bì sinh học hoặc tái chế, tránh sử dụng nhựa dùng một lần. Có thể tặng hoặc bán cho du khách các loại túi vải, giấy hoặc lá cây để mang theo khi đi mua sắm hoặc đựng đồ; khuyến khích du khách mang theo chai nước cá nhân hoặc sử dụng các loại ly, ống hút sinh học khi uống nước.
Tuyên truyền và nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương và du khách về bảo vệ môi trường, tôn trọng và bảo tồn các giá trị văn hóa, sinh thái của khu du lịch sinh thái. Tổ chức các buổi hướng dẫn, tập huấn, thi đua, trao đổi kinh nghiệm về bảo vệ môi trường cho cộng đồng địa phương.
Hỗ trợ các hộ dân địa phương phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái, như trồng cây ăn trái, nuôi cá, chim, hoa kiểng, làm mật ong, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên. Cung cấp các nguồn vốn, kỹ thuật, thiết bị, nguyên liệu cho các hộ dân; tạo ra các kênh tiếp thị và phân phối sản phẩm của các hộ dân cho du khách; tạo cơ hội cho du khách tham gia vào các hoạt động nông nghiệp và làm quen với văn hóa nông thôn.
5.6. Phát triển nguồn nhân lực tại các khu và điểm du lịch sinh thái
Đào tạo và nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên du lịch, đặc biệt là những người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng. Có thể tổ chức các khóa huấn luyện về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết tình huống, kỹ năng thuyết phục và bán hàng, kỹ năng sử dụng các công cụ công nghệ thông tin hỗ trợ công việc,…
Tạo điều kiện cho nhân viên du lịch tiếp cận với các nguồn thông tin, kiến thức và kỹ năng mới, thông qua các hình thức đào tạo liên tục, trao đổi kinh nghiệm, tham quan học tập,… Mời các chuyên gia, giảng viên, doanh nhân trong và ngoài nước đến chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về du lịch sinh thái; có thể tổ chức các chuyến đi tham quan các điểm DLST thành công ở trong và ngoài nước để học hỏi và trao đổi.
Hợp tác với các cơ quan, tổ chức liên quan, như các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch, để tạo ra các cơ hội hợp tác, hỗ trợ và chia sẻ nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch sinh thái.
5.7. Tăng cường hoạt động liên kết, mở rộng hợp tác đầu tư phát triển du lịch
Phát triển DLST liên kết với phát triển du lịch nông thôn bằng cách phát triển sản phẩm OCOP. Phát triển sản phẩm OCOP là cơ sở để phát huy và nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng, truyền thống, sản phẩm có thế mạnh của vùng, không chỉ thúc đẩy xây dựng nông thôn mới mà còn hạn chế sự di chuyển của lao động trẻ ra đô thị.
5.8. Tăng cường các hoạt động quảng bá, quảng cáo hình ảnh du lịch và sản phẩm du lịch sinh thái
Tiếp tục hoàn thiện, phổ biến và khuyến khích sử dụng ứng dụng Du lịch Cần Thơ – Can Tho Tourism. Đây là một cổng thông tin du lịch cho du khách đến với TP. Cần Thơ. Với ứng dụng này, có thể tìm kiếm thông tin về các dịch vụ du lịch như chỗ ở, điểm tham quan, mua sắm, ăn uống và giải trí.
Ngoài ra, ứng dụng còn cung cấp thông tin về các chương trình khuyến mãi, giảm giá và các tiện ích hữu ích khác như danh sách các địa điểm rút tiền tự động, trạm xăng, cơ sở y tế, nhà vệ sinh công cộng, chỉ đường và lịch trình du lịch thông minh.
6. Kết luận
Nhìn chung, kết quả khảo sát cho thấy các khu và điểm DLST ở huyện Phong Điền TP. Cần Thơ đã tạo được ấn tượng tốt trong lòng du khách và có tiềm năng phát triển trong tương lai. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bao gồm: an toàn an ninh, vệ sinh môi trường và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Tiếp đến là nguồn nhân lực phục vụ du lịch và khả năng liên kế các điểm đến. Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt để tạo nên sự khác biệt và thu hút khách du lịch đến với huyện Phong Điền.
Để thúc đẩy sự phát triển DLST tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, các vấn đề tồn đọng trên cần được xem xét giải quyết nhằm mục đích phát huy được thế mạnh tài nguyên du lịch sông nước, đặc trưng miệt vườn, thu hút khách du lịch, phát triển DLST tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung, góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp không khói trong tương lai.
Lời cảm ơn:
Tôi xin gửi lời cảm ơn tới Trường Đại học Cần Thơ, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn đã hỗ trợ tôi thực hiện nghiên cứu. Tôi cũng xin cảm ơn những người tham gia khảo sát cho nghiên cứu này và giúp tôi thu thập các câu trả lời khảo sát để có kết quả phân tích đáng tin cậy.
Tài liệu tham khảo:
1. Ái Lam (2022). Phong Điền phát triển trọng điểm du lịch sinh thái, Truy cập tại <http://moitruongdulich.vn/index.php/item/17857>
2. Đào Ngọc Cảnh (2016). Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Trường Đại học cần Thơ, 361-367.
3. Đỗ Ngọc Hảo (2015), Nghiên cứu các điều kiện phát triển du lịch sinh thái tại TP. Cần Thơ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Lê Hồng Cẩm (2020). Xây dựng chương trình tiếp thị thành công cho du lịch sinh thái tại Việt Nam – Góc nhìn sâu sắc dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, Luận văn Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Sunderland, Anh.
5. Lê Văn Dương (2022), Niên giám thống kê huyện Phong Điền năm 2021.
6. Nguyễn Trọng Nhân (2019), Giáo trình Phương pháp nghiên cứu – Du lịch, Nxb Đại học Cần Thơ.
7. Nguyễn Trọng Nhân (2013), Đánh giá mức độ hài lòng của du khách nội địa đối với du lịch sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí khoa học Đại học Hồ Chí Minh, 52 (2015).
8. Trần Thái Bình (2016). Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sinh thái ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh.
9. Acharya, B. P, et al (2013). Homestays as an Alternative Tourism Product for Sustainable Community Development: A Case Study of Women-Managed Tourism Product in Rural Nepal. Tourism Planning and Development, 10(4), 367–387.
10. Benfield.R. (2017) “Garden Tourism”.
11. Candrea and Hertanu (2015). “Developing ecotourism destinations in Romania. A case study approach”. University Transilvania của Brasov. Romania.
12. Carolyn Wacher (2006). The Development of Agri-tourism on Organic Farms in new EU countries Poland, Estonia and Slovenia. Report of a Winston Churchill Travelling Fellowship.
[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8 tháng 4 năm 2024]
Nguồn: Tạp Chí Công Thương