Gia Lai đẩy mạnh phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm
(ĐCSVN)- Những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đang xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, từ những mô hình này đã góp phần phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm.
Mô hình “dưa-dâu-cà” được trồng trong nhà kính có áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel tại khu thực nghiệm ứng dụng khoa học và công nghệ (KH-CN) thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh đang thu hút sự chú ý của nhiều người.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN Võ Thị Thùy Ngân: “Đây là mô hình làm nông nghiệp sạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các loại vật liệu như cuộn màng nhà kính PE hay tấm nhựa lấy sáng polycarbonate bao quanh nhà kính giúp ngăn chặn các loại khói, bụi từ môi trường và tác động từ thời tiết. Môi trường bên trong nhà kính cũng sẽ hạn chế tối đa các loại sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Vì vậy, không cần sử dụng đến các loại thuốc trừ sâu, cây trồng đảm bảo được phát triển một cách tự nhiên nên rất an toàn cho người tiêu dùng”.
Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh đang trồng 3 giống dưa lưới là dưa Hoàng Ngân, dưa thử nghiệm và dưa Inno; 2 giống cà chua cherry socola và 1 giống dâu tây Nhật Bản.
Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Gia Lai cho hay: “Mô hình này không chỉ để các tổ chức, cá nhân, nhất là bà con nông dân tham quan học tập và ứng dụng vào sản xuất mà còn hướng đến mục tiêu xây dựng nơi đây thành điểm đến thu hút khách du lịch”.
Nhiều đị phương của tỉnh Gia Lai làm tốt việc khai thác các điểm hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, theo đó chủ yếu khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng, mô hình trải nghiệm du lịch vườn sinh thái. Trên cơ sở lợi thế tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng và văn hoá bản địa, năm 2024, TP. Pleiku hướng đến xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại làng Ớp (phường Hoa Lư), làng Ia Nueng (xã Biển Hồ), làng Wâu (xã Chư Á), làng Tiêng 1 (xã Tân Sơn)….
Thành phố Pleiku hiện có khoảng 20 điểm hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng, mô hình trải nghiệm du lịch vườn sinh thái. Từ những nét đặc trưng đó cũng như nắm bắt nhu cầu của khách, dịch vụ du lịch lưu trú cũng bắt đầu phát triển.
Năm 2024, UBND TP. Pleiku giao các phòng, ban và đơn vị liên quan phối hợp cùng UBND các xã, phường hướng đến xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp tại làng Ớp (phường Hoa Lư), làng Ia Nueng (xã Biển Hồ), làng Wâu (xã Chư Á), làng Tiêng 1 (xã Tân Sơn)….
Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các dự án dịch vụ nghỉ dưỡng, các công trình thương mại dịch vụ, hạ tầng xã hội phù hợp với định hướng phát triển Pleiku theo hướng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
Du lịch trải nghiệm nông nghiệp là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của TP. Pleiku theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku. Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái gắn với cảnh quan rừng, miệng núi lửa, hồ nước, du lịch xanh thân thiện với môi trường, các sản phẩm du lịch gắn với vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…
Cùng với TP. Pleiku, các địa phương khác cũng có những chiến lược, kế hoạch để thúc đẩy phát triển mảng này. Ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-cho biết: Huyện có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đề nghị địa phương tạo điều kiện cho triển khai các hình thức phát triển du lịch nông nghiệp. Huyện cũng đã trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Theo UBND huyện Đăk Pơ, địa bàn là vùng sản xuất rau, cây ăn trái lớn nhất của tỉnh Gia Lai. Đăk Pơ có diện tích tự nhiên hơn 50.000ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 42.000 ha, chiếm 84% diện tích. Tài nguyên đất ở Đắk Pơ có tầng canh tác dày, khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình thấp, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, do đó đất nông nghiệp ngày càng có giá trị.
Địa phương cũng xây dựng mô hình du lịch nông trại, các xã Hà Tam, Cư An và Tân An quy hoạch các vùng trồng cây ăn quả trên đường vào đồi thông Hà Tam, vùng trồng cây ăn quả núi Đá lửa và vùng sản xuất rau an toàn xã Tân An.
UBND huyện kêu gọi đầu tư, hình thành điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Đồi thông Hà Tam, diện tích 200ha với phương châm “cho thuê rừng để khai thác du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dựa trên quan điểm giữ nguyên hiện trạng tự nhiên”.
Trong những năm qua, bằng các nguồn vốn của Trương ương, địa phương, huyện Đăk Pơ đã đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Đăk Pơ, bia Chăm Tư Lương, hòn đá Ông Nhạc… hình thành du lịch lịch sử – văn hóa phục vụ du khách.
Tham gia chuỗi liên kết phát triển du lịch cụm huyện, thị xã An Khê – Đak Pơ – Kbang – Kông Chro, du lịch tâm linh…thu hút khá đông du khách tới thăm viếng vào các dịp lễ, tết.
Hy vọng từ những kết quả đạt được khả quan trên, những năm tiếp theo tỉnh Gia Lai sẽ có những thành công rực rỡ hơn trong việc phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, góp phần đẩy lùi đói nghèo cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa./..