Hướng đến lối sống xanh “Zero Waste” qua mô hình 5R
Zero Waste hiện nay không còn là một thuật ngữ gì xa lạ với tất cả mọi người, trong bối cảnh môi trường trở nên ô nhiễm như hiện nay. Nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế cũng đã tìm ra nhiều biện pháp để cải thiện vấn đề môi trường, đạt mục tiêu phát thải bằng 0 trong tương lai. Hãy cùng WAFORT tìm hiểu xem mô hình 5R là gì và nó tác động như thế nào đến lối sống xanh Zero Waste qua bài viết này nhé !
Zero Waste là gì ?
“Không rác” hay còn được biết đến với cái tên Zero Waste, đây là một lối sống xanh đang trở nên phổ biến và được nhiều người quan tâm.Về định nghĩa của thuật ngữ này, theo Liên minh Quốc tế Không rác thải (Zero Waste International Alliance), Zero Waste là hành động bảo tồn mọi nguồn tài nguyên thông qua việc sản xuất, tiêu dùng, tái sử dụng và thu hồi sản phẩm, bao bì và vật liệu một cách có trách nhiệm mà không đốt cháy và không thải ra đất, nước hoặc không khí gây nguy hại đến môi trường hoặc sức khỏe con người. Mục đích chính của lối sống Zero Waste là giảm lượng rác thải được đưa đến các bãi chôn lấp, góp phần gây ra biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu. Lối sống xanh này làm giảm tác động có hại của các loại rác khó phân hủy đối với hệ sinh thái, khuyến khích cuộc sống bền vững, đa dạng sinh học và sự cân bằng lành mạnh, hiệu quả của các sinh vật.Zero Waste có xu hướng tái sử dụng, tái chế nhiều vật liệu, bảo tồn tài nguyên hữu hạn, giảm lượng rác thải đến các bãi chôn lấp và số lượng khí thải carbon thải vào bầu khí quyển của chúng ta.Quy tắc 5R và lối sống xanh Zero Waste
Refuse – Từ chối nhận các vật dụng tặng kèm không cần thiết khi mua sắm
Chữ R đầu tiên trong quy tắc 5R của lối sống xanh Zero Waste đại diện cho Refuse (Từ chối). Chắc hẳn với lối sống hiện đại ngày nay, ai ai cũng tất bật với công việc, và cuối ngày khi trở về nhà, chúng ta sẽ thường có xu hướng mua những thức ăn được chế biến sẵn tại các hàng quán để ăn thay vì nấu nướng lỉnh kỉnh tại nhà, như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian nấu nướng, vả lại còn tiện lợi hơn.Khi mua thức ăn tại các cửa hàng bán thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, chắc hẳn chúng ta đều sẽ nhận được những dụng cụ ăn uống đi kèm như bao tay nilon, khăn giấy, muỗng đũa dùng 1 lần, ống hút,… nhưng chúng ta có thực sự cần những món đồ đi kèm này không ? Vì thông thường khi mua về nhà ăn, chúng ta sẽ sử dụng các dụng cụ ăn uống ở nhà thay vì những dụng cụ đi kèm bằng nhựa này. Những món đồ đi kèm này thường sẽ được vứt đi khi sau khi sử dụng, hoặc có thể là bị vứt đi ngay cả khi còn chưa được sử dụng. Hay có những lúc tham gia hội chợ hay các hoạt động tại trung tâm thương mại, chúng ta thường sẽ nhận được những món quà miễn phí nhưng đa phần sẽ không sử dụng đến, vậy đâu là kết cục của những món đồ tặng kèm này ?Một số người có thói quen tích trữ những món quà tặng kèm, nhưng lâu dài sẽ chiếm khá nhiều diện tích trong nhà. Cuối cùng, chúng trở thành rác mà trăm năm sau vẫn chưa thể phân hủy được. Một món quà lãng phí và tăng thêm gánh nặng cho môi trường thì tại sao ta không từ chối ngay lúc đầu?Vậy nên, Refuse – quy tắc đầu tiên trong quy tắc 5R của lối sống xanh Zero Waste chính là việc biết từ chối những món đồ tặng kèm, hay những món đồ đi kèm không cần thiết khi mua hàng. Thay vào đó, chúng ta có thể mang theo những dụng cụ ăn uống cá nhân hoặc các túi đựng có thể tái sử dụng nhiều lần cho các hoạt động mua sắm.Reduce – Tiết chế việc mua sắm, chỉ mua những thứ thật sự cần thiết
Reduce (Tiết chế) chính là chữ R thứ hai trong quy tắc 5R của lối sống Zero Waste. Xã hội ngày càng hiện đại, con người ngày càng chăm chút hơn cho cuộc sống và nhu cầu của bản thân, không chỉ đời sống vật chất phải được đặt lên hàng đầu, mà cả những thứ liên quan đến đời sống tinh thần cũng quan trọng không kém.Thêm vào đó, với sự phát triển của công nghệ số, việc mua sắm hàng hóa ngày càng trở nên tiện lợi hơn. Chúng ta không cần phải đi đến tận cửa hàng để mua, thay vào đó có thể trực tiếp mua thông qua các ứng dụng mua sắm trực tuyến. Trên các sàn thương mại điện tử luôn có các chương trình khuyến mãi hàng tháng, tại đây chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều món đồ chất lượng với mức giá rẻ hơn so với bình thường. Chính việc mua sắm như thế này sẽ dẫn đến tình trạng kích cầu tiêu dùng, và dẫn đến hình thành xu hướng thời trang nhanh. Có những món đồ chúng ta mua chỉ vì chúng đang được giảm giá chứ chưa thực sự cần. Đối với phái nữ, vào mỗi dịp sự kiện hay tiệc tùng nào đó, sẽ là một bộ quần áo mới, không được trùng lặp với những bộ đã mặc trước đó. Vậy những bộ quần áo đã được mặc một lần trước đó rồi sẽ đi về đâu ? Liệu chúng có được mặc thêm một lần nào nữa không hay sẽ bị vứt xó vì đã là quần áo “cũ”?Đối với những món đồ gia dụng cũng vậy, khi thấy đang có chương trình ưu đãi hay giảm giá, mọi người sẽ đổ xô mua sắm để tích trữ dùng về sau. Nhưng có bao giờ trước khi mua, chúng ta suy nghĩ thử rằng liệu món đồ đó có thực sự cần thiết hay không ? Sản phẩm gia dụng hiện tại gia đình đang dùng có còn hoạt động ổn hay không ? Hay đơn giản hơn, món đồ này công năng có giống với sản phẩm mà gia đình chúng ta đang dùng không ? Hay chúng ta mua vì nó đang được giảm giá ?Đối với quy tắc Reduce, chúng ta sẽ tiết chế việc mua sắm những món hàng khi không thực sự cần thiết. Việc tiết chế mua sắm tưởng sẽ khó nhưng lại rất dễ, chỉ cần chậm lại 5-10 phút để suy nghĩ và xem xét lại liệu món đồ mình sắp mua có cần thiết hay không, có thực sự đáp ứng được nhu cầu của chúng ta hay không, thế thôi. Với việc tiết chế mua sắm, chúng ta đã và đang góp phần vào việc hạn chế thời trang nhanh, mua sắm dư thừa và hơn hết và việc “cai nghiện” mua sắm này còn có thể giúp tiết kiệm chi tiêu hàng tháng !Reuse – Tái sử dụng và tận dụng hết tính năng của các món đồ
Bên cạnh việc giảm thiểu, chúng ta có thể áp dụng quy tắc tiếp theo trong quy tắc 5R của lối sống xanh Zero Waste – Reuse (Tái sử dụng). Cách hữu hiệu nhất để giảm thiểu phát thải trong đời sống chính là tập thói quen lành mạnh : sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng được nhiều lần.Tái sử dụng chính là việc chúng ta tận dụng sản phẩm với hình dạng sản xuất ban đầu của nó nhiều lần để tối đa hóa công năng và tăng tuổi thọ sản phẩm, từ đó có thể tiết kiệm được nguồn tài nguyên bị hao tổn cho quy trình tái chế. Việc tái sử dụng không hề khó, chúng ta có thể bắt đầu thực hiện bằng cách thay đổi từ những thói quen đơn giản và nhỏ nhặt nhất trong đời sống. Với tình trạng môi trường đang bị ô nhiễm môi trường trầm trọng như hiện nay, việc thực hiện việc tái chế đang dần được nhiều người áp dụng. Khi đi mua thức ăn, thay vì lấy các bộ dụng cụ ăn uống hay các hộp đựng thức ăn, ly giấy, ly nhựa, nhiều người đang dần có thói quen mang theo hộp đựng thức ăn cá nhân, muỗng nĩa hay thậm chí là bình nước cá nhân để đựng đồ ăn, thức uống thay cho đồ nhựa dùng một lần.Hiện nay, phần lớn các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều đã chuyển sang sử dụng túi tự hủy sinh học thay cho túi nilon thông thường. Các loại túi này có thể phân hủy nhanh hơn thông thường nhờ vi khuẩn hay sinh vật sống khác khi thải ra môi trường. Nhưng nếu loại túi này được ủ không đúng cách, nó có thể sản sinh ra khí Metan (CH4) có khả năng gây cháy nổ và nguy hiểm hơn cả khí CO2.Giải pháp tốt nhất và thân thiện với môi trường mà chúng ta có thể áp dụng chính là mang theo các túi vải, túi tote để đựng đồ khi đi mua sắm. Các loại túi bằng vải như thế này có thể sử dụng liên tục nhiều lần trong nhiều năm liền mà không bị hư hại nhiều.Ngoài ra, chúng ta có thể thực hiện việc tái chế ngay trong chính ngôi nhà của mình. Hãy thử kiểm tra xem những thiết bị hư hỏng trong nhà có thể sửa chữa được hay không trước khi quyết định mua mới, việc này không chỉ giúp tiết kiệm chi tiêu, giảm thiểu việc mua sắm khi không thực sự quá cần thiết mà còn giúp cho các sản phẩm gia dụng được kéo dài thêm vòng đời của mình. Việc tái sử dụng các đồ dùng bị hư hỏng hay chuyển sang sử dụng các vật dụng có thể tái sử dụng nhiều lần sẽ giúp giảm thiểu được năng lượng và tài nguyên cho sản xuất.Recycle – Tái chế đồ vật sau khi đã phân loại
Quy tắc thứ tư trong quy tắc 5R của lối sống xanh Zero Waste chính là Recycle (Tái chế). Sau khi đã thực hiện ba quy tắc trên, điều chúng ta cần làm là phân loại rác theo từng loại phù hợp để rác thải được xử lý đúng cách. Tại Việt Nam hiện nay đang có 5 phương pháp xử lý rác thải phổ biến là chôn lấp, sản xuất phân compost, đốt thiêu hủy bằng các lò thủ công, đốt rác phát điện và biogas.Theo luật bảo vệ môi trường năm 2020, chúng ta có thể phân loại rác thải thành 4 loại : rác thải nguy hại (chai lọ thủy tinh, hóa chất, kim tiêm,…), rác thải tái chế (giấy thải, vỏ lon, kim loại… ), rác thải vô cơ (các loại vật liệu xây dựng, vỏ hộp, bao bì khó phân hủy, túi nilon đựng thực phẩm, thiết bị gia dụng) và rác thải hữu cơ (thực phẩm thừa, phần rau củ bỏ đi, lá cây, hoa cỏ,…) Mặc dù chúng ta có thể tiến hành tự phân loại rác thải tại nguồn, nhưng đối với những rác thải kim loại như pin, điện thoại cũ hỏng, đồ điện tử, nên gửi đến các tổ chức thu gom. Các tổ chức thu gom này sẽ có cách để xử lý phù hợp cho từng loại rác thải vô cơ, vì trong thành phần kim loại trong các thiết bị điện tử này sẽ làm ô nhiễm đất và nguồn nước nếu không được xử lý đúng cách.Ngoài việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà, hiện nay cũng có nhiều tổ chức phi lợi nhuận vì cộng đồng thực hiện các chương trình đổi rác lấy quà và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ tất cả mọi người. Những hoạt động tiêu biểu có thể kể đến như đổi quần áo cũ lấy sen đá, gom chai nhựa tích điểm qua ứng dụng,… Ngày càng có hiệu hoạt động thiết thực được ra đời nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người về việc phân loại rác thải đúng cách và ý thức vứt rác đúng nơi quy định.Việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đúng cách sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được tài chính nhờ việc tận dụng phế liệu tái chế có thể sử dụng hoặc bán cho các đơn vị tái chế và phân hữu cơ tự chế. Bên cạnh đó, việc phân loại rác sẽ giảm thiểu tối đa lượng rác xả ra môi trường, giảm áp lực cho các cơ quan, đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải, tiết kiệm ngân sách cho nhà nướcRot – Từ rác thải nhà bếp làm thành phân xanh cho cây trồng
Quy tắc cuối cùng trong quy tắc 5R của lối sống xanh Zero Waste chính là Rot (Tạo thành phân bón). Với quy tắc này, các rác thải hữu cơ như rác rau củ quả, vỏ trứng,… sẽ được ủ thành phân bón hữu cơ cho cây trồng bằng các phương pháp thực hiện ngâm vi sinh hoặc đơn giản là chôn dưới đất. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính mỗi ngày Việt Nam phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải, 60% trong số đó là rác thải sinh hoạt đô thị. Phương pháp chôn lấp được áp dụng để xử lý hơn 70% lượng rác thải sinh hoạt, tuy nhiên chỉ khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. 30% còn lại không xử lý bằng phương pháp chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được xử lý bằng cách đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ảnh hưởng tiêu cực đến không khí.Lợi ích của lối sống Zero Waste
Zero Waste và tác động đến môi trường
Lợi ích của Zero Waste đối với môi trường có sức ảnh hưởng vô cùng lớn, như một chiếc phao cứu sinh mang lại cơ hội sống cho bầu khí quyển của trái đất. đang bị tồn động với hàng ngàn tấn rác thải chứa hàng tỷ các loại vi rút gây hại nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của các loại sinh vật qua từng năm.Bên cạnh đó, lối sống xanh Zero Waste còn có tác động rất lớn trong việc giảm thiểu các hiện tượng khí hậu cực đoan như hiệu ứng nhà kính, hiện tượng băng tan, mưa axit và sự nóng lên của Trái đất. Có thể nói Zero Waste là cách tiếp cận hiệu quả và toàn diện nhất về chi phí quản lý chất thải và ngày càng trở thành một giải pháp quan trọng cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm chất nhựa gia tăng trên toàn cầu.Lối sống xanh Zero Waste dần lan tỏa đến mỗi cá nhân
Hiện nay, người dân đã dần có ý thức và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề rác thải và môi trường, việc áp dụng tốt quy tắc 5R giúp lối sống xanh Zero Waste không còn là một điều khó khăn. Bên cạnh đó, lối sống này còn giúp cho chúng ta quản lí tốt hơn chi tiêu của mình, tiết kiệm tài chính, giảm thiểu tình trạng môi trường đồng thời giúp cho sức khỏe tốt hơn.Lối sống xanh này là giải pháp đem lại tương lai bền vững, với những hành động vô cùng thiết thực. Khi bạn thực hiện lối sống thân thiện với môi trường này, bạn không những đem lại sức sống xanh cho Trái đất mà bên cạnh đó cuộc sống của bạn cũng sẽ trở nên giàu có và hạnh phúc hơn.Anh Thư