Ý định và hành vi du lịch có trách nhiệm của du khách Việt Nam tổng quan lý thuyết và đề xuất mô hình nghiên cứu
Đề tài Ý định và hành vi du lịch có trách nhiệm của du khách Việt Nam tổng quan lý thuyết và đề xuất mô hình nghiên cứu do ThS. Lê Thu Thủy (Giảng viên, Bộ môn Khoa học quản lý và Luật – Viện Kinh tế và Quản lý – Đại học Bách Khoa Hà Nội) thực hiện.
TÓM TẮT
Du lịch có trách nhiệm là một trong những cách tiếp cận giúp hạn chế tác động tiêu cực về xã hội, môi trường và kinh tế tại điểm đến. Mục đích của nghiên cứu là xây dựng khung lý thuyết phục vụ nghiên cứu ý định và hành vi du lịch có trách nhiệm của du khách Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích và tổng hợp những lý thuyết có liên quan, tác giả đề xuất mô hình kết hợp giữa lý thuyết hành vi có kế hoạch và mô hình kích hoạt tiêu chuẩn. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 8 giả thiết dẫn đến ý định và hành vi du lịch có trách nhiệm.
Từ khóa: du lịch có trách nhiệm, lý thuyết hành vi có kế hoạch, mô hình kích hoạt tiêu chuẩn, mô hình nghiên cứu nhận thức và hành vi của du khách, Việt Nam.
1. Thực trạng vấn đề nghiên cứu
Du lịch có trách nhiệm đã được giới thiệu và triển khai tại Việt Nam từ đầu những năm 2000 và trở thành một xu hướng ngày càng mạnh mẽ hơn trên thế giới nhằm mục đích phát triển du lịch bền vững. Tuy vậy, cách tiếp cận này chủ yếu phổ biến với các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở lưu trú hơn là với khách du lịch trong nước. Trong khi du khách là một nhân tố then chốt trong các đối tượng hữu quan, đặc biệt, nhận thức và hành vi của họ có thể làm tăng hoặc giảm những tác động tiêu cực của du lịch, nghiên cứu về nhận thức và hành vi của đối tượng này về du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam còn hạn chế.
Khái niệm du lịch có trách nhiệm được xây dựng trên cơ sở định nghĩa về phát triển bền vững của Ủy ban Thế giới về môi trường và phát triển năm 1987 và đã được đề cập chính thức trong Tuyên bố Cape Town tại Hội thảo toàn cầu của Liên Hợp quốc. Du lịch có trách nhiệm được hiểu là tất cả các hình thức du lịch tôn trọng môi trường tự nhiên, nhân tạo và môi trường văn hóa của điểm đến, cũng như đảm bảo lợi ích của tất cả các bên có liên quan. Du lịch có trách nhiệm gồm 3 nguyên tắc chính về trách nhiệm kinh tế, xã hội và môi trường của tất cả các bên hữu quan, bao gồm du khách, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, tổ chức quản lý điểm đến và chính phủ.
2. Cơ sở lý thuyết
Trong các nghiên cứu về hành vi du lịch có trách nhiệm, lý thuyết hành vi có kế hoạch (Theory of Planned Behavior – TPB) do Ajzen đề xuất là một trong những lý thuyết phổ biến nhất (Mondal và Samaddar, 2021) vì tính khả thi, khả năng kiểm định, phù hợp về phương pháp luận ((Ulker-Demirel và Ciftci, 2020). Theo lý thuyết này, yếu tố quan trọng nhất mang tính quyết định đến hành vi của một cá nhân là ý định thực hiện hành vi, có nghĩa là sự sẵn sàng thực hiện một hành vi nhất định. Ý định thực hiện hành vi bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tố khác, bao gồm thái độ, chuẩn mực chủ quan và nhận thức có kiểm soát. Thái độ đối với một hành vi có thể là thích hoặc không thích, trong khi đó, Chuẩn chủ quan chính là nhận thức của cá nhân về áp lực xã hội để thực hiện hành vi. Nhận thức kiểm soát hành vi gồm khả năng tự kiểm soát, tức là niềm tin về tác động bên ngoài đến hành vi và tự nhận thức, tức là tự đánh giá về khả năng thực hiện hành vi. (Hình 1)
Áp dụng Lý thuyết hành vi có kế hoạch trong nghiên cứu du lịch và giải trí có xu hướng ngày càng tăng (E. Ulker-Demirel và G. Ciftci, 2020). Trong đó, phần lớn các nghiên cứu về du lịch tập trung vào yếu tố “xanh”, có trách nhiệm với môi trường.
Ở Việt Nam, mặc dù đã có một số nghiên cứu về du lịch có trách nhiệm (Phạm Thị Thúy Nguyệt, 2019; Mai Thị Kiều Lan và Hoàng Trọng Hùng, 2021; Nguyễn Trọng Nhân và cộng sự, 2020), các nghiên cứu này không sử dụng Lý thuyết hành vi có kế hoạch hoặc Mô hình kích hoạt chuẩn mực. Duy nhất có nghiên cứu của Hồ Lê Thu Trang và Phan Thị Phương Thảo (2018) đã ứng dụng Lý thuyết hành vi có kế hoạch để đánh giá sự ảnh hưởng của các nhân tố gồm kinh nghiệm trong quá khứ, thái độ, chuẩn mực chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi đến ý định hành vi du lịch có trách nhiệm về bảo vệ môi trường của du khách nội địa tại thành phố Cần Thơ trên cơ sở khảo sát 131 du khách nội địa. Kết quả mô hình hồi quy tuyến tính cho thấy cả 4 nhân tố đều ảnh hưởng đến ý định hành vi du lịch có trách nhiệm của du khách nội địa, trong đó, kinh nghiệm trong quá khứ là biến ảnh hưởng mạnh nhất.
Mô hình kích hoạt tiêu chuẩn (Norm Activation Model – NAM) do Schwartz phát triển từ năm 1977 cũng thường được sử dụng để giải thích các hành vi ủng hộ xã hội và hành vi ủng hộ môi trường. Dựa trên NAM, các hành vi/ý định vị tha là một chức năng của các Chuẩn mực cá nhân (personal norm – PN) được kích hoạt bởi 2 yếu tố: Quy cho trách nhiệm (ascription of responsibility – AR) và Nhận thức về kết quả (awareness of consequences – AC) (Schwartz, 1977). PN là tiền đề gần nhất cho ý định/hành vi, là một khía cạnh cốt lõi của mô hình kích hoạt tiêu chuẩn (Harland và cộng sự, 1999). Theo đó, khi một cá nhân có nhận thức về kết quả của một hành vi đến các cá nhân khác hoặc đến môi trường và được quy cho trách nhiệm với tác động tiêu cực đó thì chuẩn mực cá nhân tương ứng được kích hoạt và cá nhân đó sẽ có hành vi ủng hộ xã hội hoặc môi trường (Schultz và cộng sự, 2005; Steg và cộng sự, 2005). Chuẩn mực cá nhân là cảm xúc về trách nhiệm đạo đức cần phải thực hiện hành vi ủng hộ xã hội hoặc môi trường (Schwartz, 1977; Steg và cộng sự, 2005; Stern, 2000). Quy cho trách nhiệm có thể được hiểu là có trách nhiệm về tác động tiêu cực do một vấn đề gây ra và mức độ một cá nhân tin rằng cá nhân đó có thể góp phần giải quyết vấn đề. (Hình 2)
Gao và cộng sự (2016) đã áp dụng Mô hình kích hoạt tiêu chuẩn để tìm hiểu mối quan hệ giữa nhận thức của du khách về tác động tiêu cực của du lịch và nhận thức về trách nhiệm của du khách. Kết quả nghiên cứu cho thấy Nhận thức của du khách về tác động tiêu cực của du lịch khiến Quy cho trách nhiệm tăng lên, từ đó ảnh hưởng khiến Chuẩn mực cá nhân của du khách cũng tăng lên, dẫn tới Ý định thực hiện hành vi.
Quy cho trách nhiệm cho thấy đặc điểm vì xã hội trong du lịch có trách nhiệm. Khi các cá nhân có mức độ nhận thức vấn đề cao hơn, họ cũng có nhận thức tốt hơn về nhu cầu du lịch có trách nhiệm. Từ đó, họ có thái độ tích cực về du lịch có trách nhiệm nhằm giảm áp lực xã hội trước vấn đề họ đã nhận thức được. Như vậy, biến quy cho trách nhiệm (nhận thức vấn đề) có liên quan tới 3 yếu tố trong TPB và biến chuẩn mực cá nhân.
3. Đề xuất mô hình nghiên cứu
Kết hợp Lý thuyết hành vi có kế hoạch và Mô hình kích hoạt tiêu chuẩn là một phương pháp được áp dụng trong một số các nghiên cứu trong lĩnh vực có liên quan như du lịch tình nguyện (Meng, B. và cộng sự, 2020; Manosuthi, N. và cộng sự, 2020), hành vi vận tải bền vững (Liu, Y. và cộng sự, 2017), hành vi tiêu dùng thực đơn hữu cơ (Shin, Y.H. và cộng sự, 2018). Lý thuyết hành vi có kế hoạch có nguồn gốc từ tâm lý xã hội học, nghiên cứu các động cơ cá nhân. Theo lý thuyết này, hành vi du lịch có trách nhiệm là kết quả phân tích dựa trên chi phí và lợi ích của cá nhân. Trong khi đó, hành vi theo mô hình kích hoạt tiêu chuẩn mang động cơ vì xã hội. Cả hai lý thuyết đều đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là hữu ích, tuy đều chưa đủ để phân tích quá trình ra quyết định và hành vi của các cá nhân (Bamberg & Möser, 2007). Lý thuyết hành vi có kế hoạch thường bị chỉ trích vì bỏ qua những khía cạnh đa dạng trong quá trình ra quyết định (Bamberg & Möser, 2007; Han, 2015). Đồng thời, Mô hình kích hoạt tiêu chuẩn đề cao yếu tố đạo đức nhưng lại chưa coi trọng yếu tố ý chí và phi ý chí trong quá trình ra quyết định (Fornara et al., 2016; Han, 2015). Vì vậy, khi kết hợp, hai lý thuyết này bổ sung lẫn nhau để giải thích hành vi du lịch có trách nhiệm một cách đầy đủ và rõ ràng hơn. Những nghiên cứu tích hợp 2 lý thuyết này chưa được thực hiện trong lĩnh vực du lịch có trách nhiệm nói chung và du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam nói riêng.
Từ cơ sở lý thuyết và tổng quan các nghiên cứu trước, kế thừa các mô hình nghiên cứu của Han và Huyn (2017), nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi du lịch có trách nhiệm của du khách trên cơ sở kết hợp Mô hình kích hoạt tiêu chuẩn và Lý thuyết hành vi theo kế hoạch.
Các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức du lịch có trách nhiệm của du khách được đề xuất dựa trên Mô hình kích hoạt tiêu chuẩn bao gồm Nhận thức về kết quả, Quy cho trách nhiệm và Chuẩn mực cá nhân. Trong đó, kế thừa nghiên cứu của Gao và cộng sự (2016), Chuẩn mực cá nhân được chia thành Chuẩn mực cá nhân bản và Chuẩn mực cá nhân bổ sung. Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi du lịch có trách nhiệm của du khách được đề xuất dựa trên Lý thuyết hành vi theo kế hoạch bao gồm Chuẩn mực hành vi, Thái độ, Chuẩn mực chủ quan, Nhận thức kiểm soát hành vi và Ý định hành vi, đồng thời, bổ sung Chuẩn mực cá nhân cơ bản và Chuẩn mực cá nhân bổ sung.
4. Các giả thuyết xuất phát từ Mô hình kích hoạt tiêu chuẩn
Theo Schwartz (1977), Nhận thức về kết quả (AC) là mức độ một cá nhân có nhận thức về tác động tiêu cực khi không hành động vì những người hoặc sự vật khác mà cá nhân đó trân trọng. Trong trường hợp của du lịch có trách nhiệm, nhận thức về kết quả được hiểu là mức độ một cá nhân có nhận thức về tác động tiêu cực khi không thực hiện du lịch có trách nhiệm, bao gồm các tác động tiêu cực lên môi trường, kinh tế và xã hội. Trong nghiên cứu này, Nhận thức về kết quả (AC) phản ánh nhận thức của giới trẻ về hậu quả của việc không thực hiện du lịch có trách nhiệm.
Đồng thời, Quy cho trách nhiệm (AR) thể hiện cảm xúc có trách nhiệm trước những tác động tiêu cực khi không hành động vì xã hội (Schwartz, 1977).
Chuẩn mực cá nhân (PN) được định nghĩa là “cảm giác có nghĩa vụ đạo đức phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành động cụ thể nào đó” (Schwartz và Howard, 1981, p. 191). Trong nghiên cứu này, PN là cảm giác có nghĩa vụ đạo đức phải thực hiện du lịch có trách nhiệm.
Nghiên cứu trên 340 mẫu về việc ra quyết định tham gia quy ước có trách nhiệm với môi trường của Han, H. (2014) khẳng định vai trò của AR là biến trung gian giữa AC và PN cũng như vai trò trung gian của PN giữa AR và BI. Nghiên cứu về du lịch có trách nhiệm ở Trung Quốc, Gao và cộng sự (2016) cho thấy, AC hoàn toàn không có ảnh hưởng tích cực lên PN. Vai trò biến trung gian của AR được kiểm chứng phần nào khi kết quả nghiên cứu cho thấy có ảnh hưởng phần nào của AC lên AR và ảnh hưởng rất tích cực của AR lên AC.
Đồng thời, PN theo nghiên cứu của Gao và cộng sự (2016) có thể được tách thành chuẩn cá nhân cơ bản và chuẩn cá nhân bổ sung như đã trình bày ở trên.
Kế thừa các kết quả nghiên cứu trên, nghiên cứu này đề xuất các giả thuyết sau:
H1: Nhận thức về kết quả ảnh hưởng tích cực lên Quy cho trách nhiệm
H2a: Quy cho trách nhiệm ảnh hưởng tích cực lên Chuẩn mực cá nhân cơ bản
H2b: Quy cho trách nhiệm ảnh hưởng tích cực lên Chuẩn mực cá nhân bổ sung
H3: Nhận thức về kết quả ảnh hưởng tích cực lên Thái độ
5. Các giả thuyết xuất phát từ Lý thuyết hành vi có kế hoạch
Ý định thực hiện hành vi là chủ đề chính trong các nghiên cứu áp dụng Lý thuyết hành vi có kế hoạch, đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực du lịch và ở góc độ vì môi trường (Ulker-Demirel, E., & Ciftci, G., 2020). Theo Ajzen (1991), ý định thực hiện hành vi thể hiện mức độ sẵn sàng cố gắng, mức độ nỗ lực nhằm thực hiện hành vi. Như vậy, ý định thực hiện hành vi du lịch có trách nhiệm thể hiện mức độ sẵn sàng cố gắng, mức độ nỗ lực nhằm thực hiện hành vi du lịch có trách nhiệm. Ý định này càng mạnh mẽ thì xác suất thực hiện hành vi càng lớn hơn.
Thái độ tích cực hoặc tiêu cực về việc thực hiện hành vi có ảnh hưởng tới ý định thực hiện hành vi (Ajzen, 1991). Nói chung, thái độ tích cực hơn của các cá nhân đối với một hành vi có thể dẫn đến để có ý định thực hiện hành vi đó nhiều hơn. Thái độ có thể được xem như một yếu tố quyết định cơ bản về ý định thực hiện hành vi của một cá nhân (Quintal, V. A., 2010; W Kun-Shan, T Yi-Man, 2011).
Chuẩn chủ quan đề cập đến nhận thức về áp lực xã hội khi một cá nhân thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi (Ajzen, 1991). Ảnh hưởng của chuẩn mực chủ quan đến ý định thực hiện hành vi được kiểm chứng trong nhiều nghiên cứu (Quintal, V. A., 2010; W Kun-Shan, T Yi-Man, 2011). Ý kiến của người có ảnh hưởng thậm chí còn là yếu tố có tác động tích cực nhất đến ý định thực hiện hành vi theo nghiên cứu về hành vi du lịch một mình của CY Tsai (2009).
Nhận thức kiểm soát hành vi thể hiện đánh giá của một cá nhân về mức độ đơn giản hoặc khó khăn liên quan đến việc thực hiện hành vi đang được thúc đẩy (Ajzen, 2002). Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh ảnh hưởng trực tiếp của nhận thức kiểm soát hành vi đến ý định du lịch của du khách (Quintal, V. A., 2010; W Kun-Shan, T Yi-Man, 2011; CY Tsai, 2009, v.v.). (Hình 3)
Kế thừa các kết quả nghiên cứu trên, nghiên cứu này đề xuất các giả thuyết sau:
H4a: Chuẩn mực cá nhân cơ bản ảnh hưởng tích cực lên Ý định thực hiện hành vi
H4b: Chuẩn mực cá nhân bổ sung ảnh hưởng tích cực lên Ý định thực hiện hành vi
H5: Thái độ ảnh hưởng tích cực lên Ý định thực hiện hành vi
H6: Chuẩn mực chủ quan ảnh hưởng tích cực lên Ý định thực hiện hành vi
H7: Nhận thức kiểm soát hành vi ảnh hưởng tích cực lên Ý định thực hiện hành vi
H8: Ý định thực hiện hành vi ảnh hưởng tích cực lên Hành vi du lịch có trách nhiệm.
6. Kết luận
Nghiên cứu về nhận thức và hành vi của du khách mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, kết quả nghiên cứu giúp các doanh nghiệp lữ hành và cộng đồng tại điểm đến có phương pháp marketing hiệu quả. Thứ hai, kết quả này cũng gợi ý cho các cơ quan quản lý du lịch những biện pháp giáo dục phù hợp để tác động đến nhận thức của du khách, sao cho hoạt động du lịch của họ hiện nay và trong tương lai sẽ đem lại tác động tích cực đến cộng đồng tại điểm đến.
Bài viết đã trình bày những lý thuyết chính được sử dụng để phân tích và dự đoán nhận thức và hành vi của con người nói chung. Những lý thuyết này có thể được áp dụng trong nghiên cứu về nhận thức và hành vi của du khách trong lĩnh vực du lịch có trách nhiệm. Đồng thời, bài viết đã đề xuất mô hình nghiên cứu nhận thức và hành vi của du khách trên cơ sở tổng hợp những lý thuyết và nghiên cứu có liên quan. Mô hình này có thể được sử dụng trong những nghiên cứu tiếp theo để kiểm định mô hình nghiên cứu cũng như để tìm hiểu về thực trạng nhận thức và hành vi du lịch có trách nhiệm của du khách Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ajzen, I. (2002). Perceived Behavioral Control, Self-Efficacy, Locus of Control, and the Theory of Planned Behavior. Journal of Applied Social Psychology, 32(4), 665-683. DOI:10.1111/j.1559-1816.2002.tb00236.x
- Caruana, R., Glozer, S., Crane, A., & McCabe, S. (2014). Tourists’ accounts of responsible tourism. Annals of Tourism Research, 46, 115–129. DOI:10.1016/j.annals.2014.03.006
- Fornara, F., Pattitoni, P., Mura, M., & Strazzera, E. (2016). Predicting intention to improve household energy efficiency: The role of value-belief-norm theory, normative and informational influence, and specific attitude. Journal of Environmental Psychology, 45, 1–10. DOI:10.1016/j.jenvp.2015.11.001
- Gao, J., Huang, Z. (Joy), & Zhang, C. (2016). Tourists’ perceptions of responsibility: An application of norm-activation theory. Journal of Sustainable Tourism, 25(2), 276–291. DOI:10.1080/09669582.2016.1202954
- Han, H., & Hyun, S. S. (2017). Drivers of customer decision to visit an environmentally responsible museum: merging the theory of planned behavior and norm activation theory. Journal of Travel & Tourism Marketing, 34(9), 1155–1168. DOI:10.1080/10548408.2017.1304317
- Hồ Lê Thu Trang, Phan Thị Phương Thảo (2018). Ứng dụng lý thuyết hành vi theo kế hoạch phân tích ý định hành vi du lịch có trách nhiệm về bảo vệ môi trường của du khách nội địa tại Thành phố Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 54, Số 9. 124-132, DOI:10.22144/ctu.jvn.2018.189
- Liu, Y., Sheng, H., Mundorf, N., Redding, C., & Ye, Y. (2017). Integrating Norm Activation Model and Theory of Planned Behavior to Understand Sustainable Transport Behavior: Evidence from China. International Journal of Environmental Research and Public Health, 14(12), 1593. DOI:10.3390/ijerph14121593
- Mai Thi Kieu Lan, Hoang Trong Hung (2021). Ảnh hưởng của nhận thức trách nhiệm xã hội điểm đến du lịch đến ý định quay trở lại của du khách: Trường hợp nghiên cứu tại Đà Lạt. Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển; pISSN: 2588-1205; eISSN: 2615-9716 Tập 130, Số 5A, 2021, Tr. 79- DOI: 10.26459/hueunijed.v130i5A.6307
- Manosuthi, N., Lee, J.-S., & Han, H. (2020). Predicting the revisit intention of volunteer tourists using the merged model between the theory of planned behavior and norm activation model. Journal of Travel & Tourism Marketing, 37(4), 510-532. DOI:10.1080/10548408.2020.1784364
- Meng, B., Chua, B.-L., Ryu, H. B., & Han, H. (2020). Volunteer tourism (VT) traveler behavior: merging norm activation model and theory of planned behavior. Journal of Sustainable Tourism, 1-23. DOI:10.1080/09669582.2020.1778010
- Mondal, S., & Samaddar, K. (2021). Responsible tourism towards sustainable development: Literature review and research agenda. Asia Pacific Business Review, 27(2), 229–266. DOI:10.1080/13602381.2021.1857963
- Pham Thi Thuy Nguyet (2019). Khảo sát nhận thức của giới trẻ về nguyên tắc ứng xử du lịch có trách nhiệm tại điểm đến. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Khoa học Xã hội và Nhân văn, 3(2):63- 71. DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v3i2.512
- Phuong Mai Nguyen, Nam D. Vo, Quang Long To, Van Toan Dinh (2019). Towards responsible tourism in Vietnam: Critical review and implications for future research. 1st International conference on Economics, Development and Sustainability (EDESUS 2019). DOI:1109/EDESUS.2019.00097
- Quintal, V. A., Lee, J. A., & Soutar, G. N. (2010). Risk, uncertainty and the theory of planned behavior: A tourism example. Tourism Management, 31(6), 797–805. DOI:10.1016/j.tourman.2009.08.006
- Ulker-Demirel, E., & Ciftci, G. (2020). A systematic literature review of the theory of planned behavior in tourism, leisure and hospitality management research. Journal of Hospitality and Tourism Management, 43, 209–219. DOI:10.1016/j.jhtm.2020.04.003
- Shin, Y. H., Im, J., Jung, S. E., & Severt, K. (2018). The theory of planned behavior and the norm activation model approach to consumer behavior regarding organic menus. International Journal of Hospitality Management, 69, 21–29. DOI:10.1016/j.ijhm.2017.10.011
- Steg, L., Dreijerink, L., & Abrahamse, W. (2005). Factors influencing the acceptability of energy policies: A test of VBN theory. Journal of Environmental Psychology, 25(4), 415–425. DOI:10.1016/j.jenvp.2005.08.003
- Schwartz, S. H. (1977). Normative Influences on Altruism. Advances in Experimental Social Psychology Volume 10, 221-279. DOI:10.1016/s0065-2601(08)60358-5.
Nguồn: Tạp chí Công Thương