Khí thải Carbon là gì? Túi giấy có thật sự “xanh” hơn túi nhựa hay không?
Môi trường luôn là vấn đề mà chúng ta quan tâm đến trong những năm gần đây. Chủ đề trong bài viết này mình sẽ chia sẻ về một số khái niệm liên quan đến môi trường mà có thể các bạn còn ngờ ngợ, đồng thời giải đáp câu hỏi: Liệu túi giấy có thật sự “xanh” hơn túi nhựa như chúng ta vẫn nghĩ hay không?
Liệu túi giấy có thật sự “xanh” hơn túi nhựa như chúng ta vẫn nghĩ hay không?
Mình xin trả lời luôn việc suy nghĩ túi giấy hay các vật dụng làm từ giấy như ống hút giấy, hộp giấy… luôn “xanh” hơn so với các chất liệu khác là một quan niệm sai lầm phổ biến. Vì sao ư?
Carbon footprint – khí thải carbon là gì?
Carbon footprint hay khí thải carbon là tổng lượng phát thải khí nhà kính của một sản phẩm hay dịch vụ… tính từ lúc nó được sản xuất, sử dụng cho đến cuối vòng đời của nó. Các khí nhà kính này có thể bao gồm chủ yếu là chất carbon dioxide (CO2), khí metan (CH4) …
Lấy ví dụ, khi bạn ăn thịt bò, quy trình để miếng thịt đó tới với bữa ăn của bạn sẽ phải trải qua rất nhiều công đoạn và có nhiều bước trong số đó tạo ra phát thải khí nhà kính. Theo tính toán của các chuyên gia, việc chăn nuôi bò thường tạo ra nhiều khí thải nhà kính cũng như tiêu tốn nhiều tài nguyên hơn so với các loài động vật khác. Đó là lý do tại sao anh em đôi lúc sẽ bắt gặp những tuyên truyền kiểu như ngừng ăn thịt bò để bảo vệ môi trường.
Khí thải carbon được đo lường như thế nào?
Để đo được khí thải carbon của một sản phẩm, dịch vụ thường rất phức tạp, bởi vì bản thân chúng cũng phải trải qua rất nhiều quy trình trong suốt vòng đời của mình. Việc đo chi tiết là công việc của các nhà khoa học và các chuyên gia về môi trường, tuy nhiên có thể hiểu là, người ta sẽ dựa vào 3 mục tiêu đo chính:
Đo phát thải trực tiếp: ví dụ khi bạn chạy xe sử dụng xăng, bên cạnh sinh ra năng lượng để tạo công cho xe thì xăng cũng tạo ra các chất thải carbon 1 cách trực tiếp.
Đo phát thải gián tiếp: cái này thì sẽ trừu tượng hơn 1 tí vì bản thân sản phẩm hoặc quá trình nào đó sẽ không trực tiếp tạo ra phát thải carbon. Tuy nhiên, các quy trình tạo ra nó lại chính là cái tạo ra phát thải carbon. Ví dụ khi bạn sử dụng máy lạnh, máy lạnh sẽ dùng điện để hoạt động và phần lớn tỷ trọng điện được tạo ra trên hành tinh đến từ việc đốt cháy các nhiên liệu hoá thạch, đây chính là bước tạo ra phát thải carbon.
Đo các phát thải khác: đây là mục tiêu tương đối phức tạp vì nó được tổng kết từ nhiều quy trình khác nhau. Các tổ chức hoặc chuyên gia sẽ tự tạo ra những phương pháp, công cụ đo riêng biệt để có thể tính được mục tiêu đo thứ 3 này.
Có khá nhiều công cụ online cho phép tự ước chừng khí thải carbon mà mình đang tạo ra theo thói quen sinh hoạt hằng ngày.
So sánh túi giấy và túi nhựa
Như mình có nói ở trên, việc luôn mặc định túi giấy xanh hơn túi nhựa là một quan niệm sai lầm đến từ những tuyên truyền của nhiều tổ chức, đơn vị. Trên thực tế, sản xuất túi giấy đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn đáng kể so với túi nhựa. Cụ thể, túi giấy đòi hỏi lượng nước sản xuất nhiều hơn khoảng 4 lần so với túi nhựa, đồng thời cũng tạo ra lượng khí nhà kính cũng nhiều hơn gấp 3,1 lần (do phải trồng cây rồi chặt đi).
Ngoài ra, có nhiều túi nhựa được tạo ra từ polyethylene (PE), đây là một phụ phẩm tạo ra từ quá trình lọc khí tự nhiên. Tức là con người không cần tạo ra một quy trình riêng biệt để sản xuất chất liệu này. PE nếu không được tận dụng cũng sẽ bị đốt cháy và loại bỏ mà không tạo ra bất kỳ mục đích sử dụng tích cực nào.
Khả năng sử dụng
Một khía cạnh quan trọng khác khi nói về tính bền vững đó là khả năng tái sử dụng. Về mặt này, dễ thấy rằng túi giấy hoặc các sản phẩm từ giấy thường có phần thua thiệt. Bởi chúng không có khả năng chống thấm nước và có thể dễ bị rách, phá hỏng.
Bên cạnh đó, khả năng chịu lực của các sản phẩm từ giấy vốn không cao, đây được xem là một điểm yếu lớn. Để khắc phục được nhược điểm này, người ta lại phải sử dụng 1 lượng giấy nhiều hơn khi sản xuất. Và điều này lại quay trở lại vấn đề phía trên tạo ra 1 vòng tròn luẩn quẩn với luận điểm mình vừa nêu phía trên.
Túi nhựa dĩ nhiên không gặp những nhược điểm kể trên, mà ngược lại chúng còn chịu lực tốt, chống thấm nước và không dễ bị hỏng trong quá trình sử dụng. Do đó chúng mang tính tái sử dụng hơn hẳn.
Khả năng tái chế
Do túi giấy có thể phân huỷ sinh học nên đây là lý do chính mà người ta cho rằng túi giấy thực sự “xanh” hơn so với túi nhựa. Nhưng thực tế thì không phải vậy, túi giấy nặng hơn túi nhựa trung bình khoảng 8 lần, đồng nghĩa với việc vận chuyển chúng sẽ khó hơn đáng kể. Lấy ví dụ, vận chuyển 2 triệu túi giấy đến 1 cơ sở tái chế sẽ cần phải huy động số xe tải gấp 7 lần so với 2 triệu túi nhựa. Tác động phát thải của sự khác biệt này sẽ trở nên lớn dần qua thời gian dài.
Bên cạnh đó, túi nhựa không dễ bị hư hỏng, do đó chúng có thể được tái sản xuất từ một vật liệu vô thời hạn. Trong khi đó, tuổi thọ của giấy rất hạn chế vì cấu trúc dạng sợi của chúng dễ bị phá vỡ khi đến tuổi thọ tái chế.
Xử lý túi sau khi sử dụng
Cuối cùng, việc xử lý túi đúng cách cũng góp phần rất lớn vào việc bảo vệ môi trường. Việc vứt bỏ túi giấy một cách vô trách nhiệm cũng góp phần làm nghiêm trọng phát thải khí nhà kính. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng túi giấy được làm từ vật liệu phân huỷ sinh học, nên việc vứt bỏ chúng chung với các loại rác thải khác, vứt trong bãi rác cũng không quá ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đây lại là một quan niệm sai lầm, bởi các vật liệu phân huỷ sinh học đòi hỏi một môi trường giàu oxy để được phân hủy đúng cách. Nếu không có được điều này, chúng sẽ phân huỷ thành khí metan, một trong những khí nhà kính có hại nhất cho bầu khí quyển của chúng ta.
Khí thải carbon của túi nhựa và túi giấy
Theo dữ liệu trên trang CO2 Everything, một túi giấy có khí thải carbon là khoảng 5,52kg, tương đương với phát thải mà một chiếc ô tô tạo ra trên quãng đường 28km. Trong khi đó, túi nhựa có thể tái sử dụng nhiều lần sẽ có khí thải carbon là 21,51kg, còn túi nhựa xài 1 lần chỉ có khí thải carbon là 1,58kg mà thôi.
Trên bài chỉ là phân tích theo khía cạnh của khí thải carbon, tuy nhiên để thực sự đánh giá với độ “xanh” của chất liệu thì còn phải xem xét đến nhiều yếu tố khác nữa. Chẳng hạn, túi giấy nếu phân huỷ ở tự nhiên sẽ không gây hại đến động vật ngoài môi trường và hệ sinh thái. Bên cạnh đó, động vật biển cũng không bị ăn phải rác thải nhựa như nhiều hình ảnh mà ta vẫn thấy nữa.
Điều quan trọng ở đây vẫn là chúng ta nên tận dụng tối đa các sản phẩm dù đó là giấy hay nhựa để vòng đời sản phẩm được nâng cao hơn. Hơn nữa, công tác thu thập rác thải và tái chế cũng cần được làm tốt hơn để những sản phẩm nhựa không ảnh hưởng đến môi trường. Tóm lại túi giấy hay túi nhựa đều có ưu nhược điểm riêng, lựa chọn sử dụng vẫn tuỳ thuộc ở anh em.
Nguồn: vinalab