Phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam theo hướng bền vững
Du lịch ẩm thực của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, nhưng chưa thể phát triển mạnh như kỳ vọng do một số khó khăn, thách thức.
TS. Nguyễn Thị Hồng Yến
Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên
Email: nguyenyenkt@tueba.edu.vn
Tóm tắt
Điều khiến du khách muốn quay lại một điểm đến phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố văn hóa bản địa, trong đó có dịch vụ ẩm thực. Trong khi đó, hiện nay, du lịch ẩm thực là một trong những lĩnh vực tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam, với sự đa dạng và phong phú của các món ăn đặc trưng từ 3 miền Bắc, Trung, Nam. Bài viết này khái quát tiềm năng du lịch ẩm thực của Việt Nam, đồng thời, chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển du lịch ẩm thực. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam theo hướng bền vững.Từ khóa: phát triển, du lịch ẩm thực, Việt Nam, bền vữngGIỚI THIỆU
Du lịch ẩm thực, một hình thức du lịch trải nghiệm văn hóa qua các món ăn địa phương, đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Có thể hiểu du lịch ẩm thực là loại hình du lịch tổ chức và hướng dẫn du khách đến các điểm du lịch để tìm hiểu, thưởng thức, trải nghiệm đồ ăn, thức uống có tính nghệ thuật và văn hóa đặc thù của địa phương, vùng miền, quốc gia (Phan Huy Xu và Trần Minh Tâm, 2017).Việt Nam, với nền văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng, sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển loại hình du lịch này. Thời gian qua, ẩm thực Việt Nam được nhiều chuyên trang du lịch và cẩm nang ẩm thực nổi tiếng vinh danh như: Kênh truyền hình của Mỹ CNN bình chọn ẩm thực Việt Nam là một trong 10 nền ẩm thực tuyệt nhất thế giới.Giải thưởng Ẩm thực thế giới (thuộc hệ thống Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards) đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á năm 2022”. Chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) công bố danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách bình chọn từ độc giả.Năm 2021, Phở Việt Nam được tôn vinh trên công cụ tìm kiếm Google Doodle. Nhiều tạp chí, chuyên trang du lịch ẩm thực nổi tiếng cũng dành lời khen cho ẩm thực Việt. Năm 2023, cẩm nang ẩm thực nổi tiếng thế giới Michelin Guide đã gắn sao cho 4 nhà hàng Việt tạo ra thương hiệu cho du lịch ẩm thực Việt Nam thu hút du khách quốc tế lựa chọn Việt Nam làm điểm đến (Ngô Thị Minh, 2024).Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ẩm thực cần phải được thực hiện theo hướng bền vững để không chỉ đảm bảo sự phát triển lâu dài của ngành du lịch, mà còn bảo vệ và duy trì bản sắc văn hóa ẩm thực độc đáo của Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các chính sách phát triển du lịch, bảo tồn tài nguyên môi trường và văn hóa, cũng như việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và du khách về tầm quan trọng của du lịch bền vững.TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH ẨM THỰC CỦA VIỆT NAM
Du lịch ẩm thực Việt Nam đang trở thành một trong những lĩnh vực thu hút sự chú ý của cả du khách trong nước và quốc tế. Sự phong phú và đa dạng trong ẩm thực không chỉ tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn mà còn mang lại nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Với lợi thế về sự đa dạng các món ăn, thức uống rất đa dạng, tốt cho sức khỏe, ẩm thực Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành yếu tố tiên phong thu hút du khách trong và ngoài nước (Phạm Thu Huyền, 2023). Cụ thể như sau:Thứ nhất, đặc sản phong phú của các vùng, miền
Việt Nam có 3 miền Bắc, Trung, Nam, mỗi miền đều có những món ăn đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Ẩm thực mỗi vùng, miền đều có nét đặc trưng riêng, đa dạng, hài hòa, tinh tế, dễ thưởng thức và chứa đựng tính nghệ thuật cao (Phan Thị Ngọc Diệp, 2022). Những món ăn như: phở Hà Nội, bún bò Huế, hủ tiếu miền Nam, hay các món ăn đường phố phong phú không chỉ thể hiện sự sáng tạo trong chế biến, mà còn là cầu nối văn hóa giữa các thế hệ.Năm 2023, Tạp chí du lịch nổi tiếng Travel + Leisure tiếp tục gọi tên Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn khu vực châu Á năm 2023. Cụ thể, trang này nhận định: “Nếu có một nền văn hóa ẩm thực nào sở hữu những món ăn tươi ngon có hương vị đậm đà thì chắc chắn là ẩm thực Việt Nam. Đất nước này được biết đến với cảnh quan tuyệt đẹp và kho tàng ẩm thực phong phú. Bất kỳ nơi nào bạn đến đều sẽ bắt gặp những món ngon địa phương ngay trên vỉa hè, khiến bạn say mê, đắm chìm trong những trải nghiệm mới thú vị”.Cũng trong năm 2023, TasteAtlas – bản đồ ẩm thực thế giới, cũng công bố top 95 nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới. Người dùng chấm điểm ẩm thực Việt Nam đạt 4,31 trên thang 5 điểm, xếp hạng 20. Trong khi đó, ẩm thực Thái Lan chỉ được xếp hạng thứ 30/95 với 4,16 điểm (Băng Sơn, 2023).Như vậy, việc khai thác và quảng bá những đặc sản này không chỉ giúp du khách hiểu rõ hơn về văn hóa ẩm thực Việt Nam, mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và nhà hàng địa phương phát triển.Thứ hai, tăng cường quảng bá du lịch ẩm thực qua các nền tảng truyền thông
Ẩm thực Việt Nam cũng xuất hiện trên nhiều tờ báo nước ngoài. Năm qua, CNN chọn phở vào top món ăn có nước ngon nhất thế giới, bánh bột lọc là món ăn nên thử khi đến Việt Nam và bánh mì trong top món bánh kẹp hấp dẫn nhất hành tinh và bánh cam vào top 30 món bánh rán ngon nhất.Hãng tin Hong Kong SCMP giới thiệu đặc sản chả rươi, cao lầu, bún cá chấm và bún quậy là đặc sản phải thử ở Việt Nam. Tạp chí du lịch Traveller của Australia đã đề xuất bánh cuốn của Việt Nam là một trong 10 món ăn hấp dẫn mà du khách cần thưởng thức trong năm 2023… (T.Linh, 2023).Bên cạnh các kênh truyền thông phổ biến, như: báo, truyền hình, tạp chí du lịch nói trên, thì trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc quảng bá ẩm thực Việt Nam qua các kênh truyền thông xã hội, blog ẩm thực và các chương trình truyền hình thực tế ngày càng trở nên phổ biến. Các nhà hàng, quán ăn có thể tận dụng các nền tảng, như: Instagram, Facebook, và TikTok để giới thiệu món ăn, quy trình chế biến và trải nghiệm ẩm thực của du khách. Sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ sẽ giúp nâng cao nhận thức và thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế.Thứ ba, sự phát triển của các tour du lịch ẩm thực
Nhiều công ty du lịch đã bắt đầu tổ chức các tour du lịch ẩm thực chuyên nghiệp, cho phép du khách không chỉ thưởng thức các món ăn, mà còn tham gia vào quy trình chế biến, học hỏi từ những đầu bếp địa phương. Những tour này không chỉ giúp du khách trải nghiệm sâu sắc về văn hóa ẩm thực, mà còn tạo ra nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương. Việc kết hợp giữa du lịch ẩm thực và các hoạt động văn hóa truyền thống sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.Thứ tư, giá trị văn hóa sâu sắc
Ẩm thực Việt Nam không chỉ đơn thuần là những món ăn, mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Mỗi món ăn đều gắn liền với những câu chuyện, lễ hội và phong tục tập quán, phản ánh bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Chẳng hạn, trong những dịp lễ Tết, mâm cỗ truyền thống với bánh chưng, bánh tét không chỉ đơn thuần là thức ăn mà còn mang theo ý nghĩa sâu sắc về gia đình, sự sum vầy và lòng tri ân tổ tiên.Hay như món phở, không chỉ là món ăn sáng phổ biến mà còn trở thành biểu tượng văn hóa, thể hiện sự khéo léo và sáng tạo của người Việt. Những món ăn được chế biến từ các nguyên liệu tự nhiên cũng thường mang theo thông điệp về sự gần gũi với thiên nhiên và lòng tôn kính đối với những gì mà đất đai ban tặng. Chính vì vậy, giá trị văn hóa của ẩm thực Việt Nam không chỉ thể hiện qua các món ăn mà còn nằm trong những câu chuyện và cảm xúc mà chúng mang lại.Thứ năm, nguyên liệu tươi ngon và an toàn
Một trong những lợi thế lớn nhất của ẩm thực Việt Nam chính là nguồn nguyên liệu tươi ngon và an toàn. Với nhiều vùng đất màu mỡ và khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, Việt Nam là nơi lý tưởng để sản xuất các loại nông sản phong phú. Từ rau, củ, quả tươi ngon, thịt cá sạch cho đến các loại gia vị độc đáo, như: mắm tôm, nước mắm Phú Quốc, tất cả đều được chăm sóc và thu hoạch một cách cẩn thận. Điều này không chỉ mang lại những món ăn chất lượng cao mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.Bên cạnh đó, người Việt có thói quen tiêu thụ thực phẩm tươi sống, tạo nên những món ăn ngon miệng và hấp dẫn. Sự tươi ngon của nguyên liệu không chỉ làm tăng thêm hương vị cho món ăn mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút du khách, đặc biệt là trong thời đại mà người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến an toàn thực phẩm và sức khỏe.Thứ sáu, giá cả phải chăng
Một điểm nổi bật khác của ẩm thực Việt Nam là giá cả phải chăng. So với nhiều quốc gia khác trên thế giới, chi phí để thưởng thức ẩm thực Việt Nam khá hợp lý, điều này tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với du khách, đặc biệt là những người trẻ tuổi và những người yêu thích khám phá văn hóa qua ẩm thực. Từ những quán ăn vỉa hè với giá vài nghìn đồng cho đến những nhà hàng sang trọng hơn, thực khách đều có thể tìm thấy những món ăn ngon miệng mà không cần phải chi tiêu quá nhiều.Điều này không chỉ giúp du khách dễ dàng trải nghiệm ẩm thực Việt Nam, mà còn tạo cơ hội cho mọi tầng lớp xã hội cùng thưởng thức và khám phá những giá trị ẩm thực độc đáo. Sự phong phú trong lựa chọn và giá cả phải chăng chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp du lịch ẩm thực Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ.Thứ bảy, xu hướng ẩm thực thế giới
Hiện nay, ẩm thực Việt Nam đang ngày càng được thế giới biết đến và yêu thích, nhờ vào sự giao thoa văn hóa toàn cầu và nhu cầu tìm kiếm những hương vị mới lạ. Nhiều nhà hàng Việt Nam đã xuất hiện tại các thành phố lớn trên thế giới, từ New York, Paris đến Sydney, thu hút sự quan tâm của giới ẩm thực quốc tế. Sự phổ biến của các món ăn Việt như phở, bánh mì và gỏi cuốn không chỉ nhờ vào hương vị độc đáo mà còn bởi những câu chuyện văn hóa phong phú mà chúng mang theo.Bên cạnh đó, xu hướng ăn uống lành mạnh, sử dụng nguyên liệu tươi sống và ít béo cũng góp phần làm tăng sức hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam trong mắt du khách quốc tế. Việc tham gia vào các sự kiện ẩm thực quốc tế, các lễ hội văn hóa và các chương trình truyền hình thực tế cũng giúp quảng bá hình ảnh ẩm thực Việt Nam, từ đó mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch ẩm thực phát triển bền vững trong tương lai.MỘT SỐ KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH ẨM THỰC VIỆT NAM
Du lịch ẩm thực đang dần trở thành một xu hướng quan trọng trong ngành du lịch toàn cầu và Việt Nam là một trong những điểm đến nổi bật nhờ nền ẩm thực phong phú, đa dạng và đặc trưng. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều tiềm năng, việc phát triển du lịch ẩm thực tại Việt Nam vẫn đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức như sau:Một là, chưa có chiến lược phát triển toàn diện
Một trong những thách thức lớn nhất trong việc phát triển du lịch ẩm thực tại Việt Nam là thiếu một chiến lược phát triển đồng bộ và toàn diện. Dù các địa phương có tiềm năng du lịch lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An hay Huế đã phát triển các tour du lịch ẩm thực, nhưng sự phát triển này thường mang tính tự phát và không theo một kế hoạch cụ thể nào. Thiếu sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và doanh nghiệp du lịch dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong quảng bá và khai thác du lịch ẩm thực.Bên cạnh đó, chưa có cơ chế chính sách rõ ràng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và người dân tham gia vào việc phát triển du lịch ẩm thực. Những mô hình như “food tour” hay “street food market” chưa được đầu tư và khai thác đúng mức để trở thành sản phẩm du lịch mang lại giá trị bền vững cho địa phương.Hai là, hạn chế trong việc quảng bá hình ảnh ẩm thực
Việt Nam có nền ẩm thực đa dạng với nhiều món ăn được quốc tế công nhận như phở, bún chả, bánh mì, nem rán, và cà phê sữa đá. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác trong khu vực, như: Thái Lan, Malaysia hay Singapore, Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng quảng bá ẩm thực của mình ra thế giới. Một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu chiến lược truyền thông và quảng bá cụ thể về du lịch ẩm thực.Hiện nay, các hoạt động quảng bá ẩm thực Việt Nam chủ yếu thông qua các kênh truyền thống, như: tờ rơi, bài viết trên báo chí hoặc các trang web du lịch, nhưng chưa khai thác hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại như mạng xã hội, YouTube, hay các ứng dụng du lịch trực tuyến. Việc thiếu hình ảnh thương hiệu mạnh về ẩm thực cũng khiến Việt Nam chưa thực sự ghi dấu ấn với du khách quốc tế khi nhắc đến du lịch ẩm thực.Ba là, chất lượng dịch vụ và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm
Một yếu tố quan trọng khi phát triển du lịch ẩm thực là chất lượng dịch vụ và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều địa điểm ẩm thực nổi tiếng tại Việt Nam, đặc biệt là các khu vực bán hàng rong hoặc quán ăn ven đường, vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế, và làm giảm sức hấp dẫn của du lịch ẩm thực Việt Nam.Ngoài ra, sự thiếu đồng đều về chất lượng dịch vụ giữa các nhà hàng, quán ăn và các điểm bán hàng rong cũng là một vấn đề. Mặc dù có nhiều món ăn ngon và độc đáo, nhưng nếu không được phục vụ chuyên nghiệp và đảm bảo vệ sinh, du khách sẽ có ấn tượng không tốt về ẩm thực và dịch vụ của Việt Nam.Bốn là, chưa tận dụng tối đa tiềm năng của các vùng địa phương
Mỗi vùng miền của Việt Nam đều có nền ẩm thực đặc sắc riêng, nhưng chưa có nhiều nỗ lực để kết nối các vùng địa phương này vào một chuỗi cung ứng du lịch ẩm thực tổng thể. Chẳng hạn, miền Bắc có các món như phở Hà Nội, bún thang, và chả cá Lã Vọng, miền Trung nổi tiếng với bún bò Huế, cao lầu Hội An, và mì Quảng, trong khi miền Nam lại được biết đến với hủ tiếu Nam Vang, bánh xèo và các món ăn từ hải sản.Tuy nhiên, chưa có sự kết nối giữa các địa phương để hình thành các tuyến du lịch ẩm thực liên vùng, từ đó giúp du khách có thể trải nghiệm nhiều hơn về ẩm thực của các khu vực khác nhau. Việc thiếu sự liên kết và hợp tác giữa các địa phương còn làm giảm hiệu quả của các chương trình quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực.Năm là, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chuyên môn
Phát triển du lịch ẩm thực đòi hỏi một đội ngũ nhân sự không chỉ hiểu rõ về ẩm thực mà còn cần có kỹ năng quản lý và tổ chức các hoạt động du lịch liên quan. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn rất hạn chế. Các hướng dẫn viên du lịch không chỉ cần hiểu biết về văn hóa, lịch sử mà còn phải am hiểu sâu về ẩm thực địa phương để có thể giới thiệu và dẫn dắt du khách trải nghiệm các món ăn đặc sắc.Ngoài ra, các đầu bếp và nhà hàng cũng cần được đào tạo bài bản hơn về cách phục vụ khách du lịch quốc tế, đảm bảo chất lượng dịch vụ và vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Sự thiếu hụt này làm giảm khả năng cạnh tranh của du lịch ẩm thực Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực.Sáu là, thiếu các sản phẩm du lịch ẩm thực độc đáo
Mặc dù ẩm thực Việt Nam rất phong phú, nhưng các sản phẩm du lịch ẩm thực độc đáo, mang tính sáng tạo và kết hợp giữa trải nghiệm ăn uống với các hoạt động văn hóa, vẫn còn ít ỏi. Những trải nghiệm như tham gia lớp học nấu ăn, tour ẩm thực đường phố, hoặc các lễ hội ẩm thực chưa được khai thác triệt để và phát triển thành các sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách.Ngoài ra, việc thiếu các sản phẩm lưu niệm liên quan đến ẩm thực, như các món ăn đóng hộp, gia vị, hoặc sách hướng dẫn nấu ăn địa phương, cũng làm giảm khả năng ghi nhớ của du khách sau khi kết thúc chuyến du lịch ẩm thực tại Việt Nam.Bảy là, cạnh tranh trong khu vực
Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan, Singapore, và Malaysia, nơi du lịch ẩm thực đã được phát triển mạnh mẽ và thu hút đông đảo du khách quốc tế. Các quốc gia này đã đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng hình ảnh ẩm thực, tổ chức các sự kiện lớn về ẩm thực quốc tế, và phát triển hạ tầng du lịch ẩm thực bài bản.Để cạnh tranh hiệu quả, Việt Nam cần có những bước đột phá về chiến lược phát triển, quảng bá mạnh mẽ hơn về ẩm thực và tăng cường chất lượng dịch vụ nhằm giữ chân và thu hút thêm du khách quốc tế.MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Du lịch ẩm thực Việt Nam có tiềm năng to lớn trong việc thu hút du khách quốc tế, nhưng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần có những giải pháp đồng bộ sau:Thứ nhất, tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức
Để du lịch ẩm thực phát triển bền vững, việc giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức về giá trị của ẩm thực truyền thống là rất quan trọng. Các cơ sở giáo dục có thể tích hợp chương trình giảng dạy về ẩm thực và văn hóa vào chương trình học. Các lớp học nấu ăn có thể được tổ chức thường xuyên cho cả người dân và du khách, nơi họ không chỉ học cách chế biến món ăn, mà còn hiểu rõ về nguồn gốc, nguyên liệu và cách bảo tồn các món ăn truyền thống.Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ có thể phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm để chia sẻ thông tin về giá trị của ẩm thực, từ đó khuyến khích người dân bảo tồn và phát huy các món ăn truyền thống. Chương trình giáo dục không chỉ hướng tới việc nâng cao kỹ năng nấu ăn, mà còn tạo ra ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn văn hóa ẩm thực.Thứ hai, phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực đa dạng
Để thu hút du khách, cần phát triển các sản phẩm du lịch ẩm thực phong phú, đa dạng. Điều này bao gồm việc tạo ra các tour ẩm thực đặc biệt gắn với các lễ hội ẩm thực, sự kiện văn hóa truyền thống tại các vùng miền. Du khách có thể tham gia vào các tour khám phá, trải nghiệm ẩm thực đường phố, hoặc thậm chí là tham gia vào quy trình sản xuất thực phẩm, từ trồng trọt đến chế biến.Các tour du lịch ẩm thực cũng nên bao gồm trải nghiệm kết hợp với các hoạt động văn hóa, như: tham gia vào các điệu múa dân gian, thưởng thức âm nhạc truyền thống trong khi thưởng thức món ăn. Việc xây dựng các địa điểm ẩm thực kết hợp với nghệ thuật địa phương sẽ tạo ra những trải nghiệm độc đáo và khó quên cho du khách.Thứ ba, bảo tồn và phát huy các giá trị ẩm thực truyền thống
Việc bảo tồn và phát huy các món ăn truyền thống cần được thực hiện một cách bài bản. Chính quyền địa phương có thể phối hợp với các tổ chức văn hóa để tổ chức các lễ hội ẩm thực hàng năm, nơi du khách có thể thưởng thức các món ăn đặc sản và tìm hiểu về quá trình chế biến. Điều này không chỉ giúp bảo tồn món ăn mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh cho người dân.Ngoài ra, các đầu bếp và nghệ nhân ẩm thực nên được khuyến khích tham gia vào các khóa học nâng cao, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chế biến với nhau. Các chương trình truyền hình hoặc video hướng dẫn về nấu ăn truyền thống cũng có thể được sản xuất để giới thiệu đến đông đảo công chúng.Thứ tư, thiết lập hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận
Việc thiết lập các tiêu chuẩn và chứng nhận cho các nhà hàng và quán ăn phục vụ món ăn truyền thống là rất quan trọng. Chính quyền và các hiệp hội ngành nghề có thể phát triển các tiêu chí đánh giá chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và sự thân thiện với môi trường cho các cơ sở kinh doanh ẩm thực.Chứng nhận này không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà hàng, quán ăn. Các cơ sở có chất lượng tốt có thể được quảng bá rộng rãi, từ đó thu hút thêm nhiều du khách. Hệ thống này cũng cần được cập nhật thường xuyên để đảm bảo tính chính xác và phù hợp với xu thế phát triển.Thứ năm, khuyến khích du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng là một giải pháp hiệu quả để phát triển du lịch ẩm thực bền vững. Các cộng đồng dân cư có thể tham gia trực tiếp vào quá trình cung cấp dịch vụ ẩm thực, từ việc trồng trọt đến chế biến và phục vụ. Điều này không chỉ tạo cơ hội việc làm cho người dân mà còn giúp họ gìn giữ và phát huy các món ăn truyền thống của địa phương.Chính quyền có thể hỗ trợ các nhóm cộng đồng bằng cách cung cấp các khoản vay ưu đãi để phát triển các dự án du lịch ẩm thực. Bên cạnh đó, việc tổ chức các khóa đào tạo về quản lý du lịch và marketing sẽ giúp cộng đồng nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển dịch vụ du lịch một cách chuyên nghiệp hơn.Thứ sáu, tăng cường quảng bá và tiếp thị
Để thu hút du khách, cần có các chiến lược quảng bá du lịch ẩm thực đồng bộ và sáng tạo. Sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội, video, blog du lịch để giới thiệu những trải nghiệm ẩm thực độc đáo tại Việt Nam là một cách hiệu quả. Hợp tác với các blogger, influencer trong lĩnh vực du lịch và ẩm thực sẽ giúp lan tỏa thông điệp và thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế.Ngoài ra, cần xây dựng các trang web và ứng dụng di động chuyên biệt cho du lịch ẩm thực, nơi du khách có thể tìm kiếm thông tin, đặt chỗ và đánh giá các địa điểm ẩm thực. Các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho du khách cũng là một cách hiệu quả để thu hút sự chú ý và tạo động lực cho họ tham gia vào trải nghiệm ẩm thực tại Việt Nam.Thứ bảy, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường
Trong quá trình phát triển du lịch ẩm thực, cần đặc biệt chú ý đến các biện pháp bảo vệ môi trường. Các nhà hàng, quán ăn nên áp dụng các thực hành bền vững, chẳng hạn như sử dụng nguyên liệu hữu cơ, thực phẩm địa phương và bao bì sinh thái. Việc giáo dục nhân viên và khách hàng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường cũng rất cần thiết.Chính quyền có thể khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các chương trình chứng nhận về bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao uy tín và sự thu hút của họ trong mắt du khách. Các sự kiện cộng đồng về bảo vệ môi trường, như dọn dẹp bãi biển, trồng cây, cũng có thể được tổ chức kết hợp với các sự kiện ẩm thực, tạo ra sự kết nối giữa ẩm thực và trách nhiệm xã hội./.Tài liệu tham khảo
1. Băng Sơn (2023), Ẩm thực là “vũ khí” chiến lược của du lịch Việt Nam?, truy cập từ https://vneconomy.vn/am-thuc-la-vu-khi-chien-luoc-cua-du-lich-viet-nam.htm.2. Ngô Thị Minh (2024), Phát triển du lịch từ khai thác thế mạnh ẩm thực, truy cập tại https://consosukien.vn/phat-trien-du-lich-tu-khai-thac-the-manh-am-thuc.htm.3. Phan Huy Xu, Trần Minh Tâm (2017), Phát triển du lịch ẩm thực tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học Đại học Văn Lang, số 3, 78-85.4. Phạm Thu Huyền (2023), Một số giải pháp phát triển ẩm thực cho ngành du lịch Việt Nam vươn tầm quốc tế, Tạp chí Công Thương, số 3, tháng 2/2023.5. Phan Thị Ngọc Diệp (2022), Ẩm thực du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa, Tạp chí Công Thương, số 22, tháng 10/2022.6. T.Linh (2023), Cảnh đẹp, ẩm thực Việt Nam gây ấn tượng với tạp chí du lịch Traveller, truy cập từ https://nhandan.vn/canh-dep-am-thuc-viet-nam-gay-an-tuong-voi-tap-chi-du-lich-traveller-post736682.html.Nguồn: Kinh tế và Dự báo