Nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm cho giới trẻ qua các nền tảng truyền thông số
ThS. Phạm Thanh Bình, ThS. Dương Thanh Tùng Khoa Du lịch và Khách Sạn, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp
Nền tảng truyền thông số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch có trách nhiệm, mang lại nhiều lợi ích cho du khách nói chung và giới trẻ nói riêng. Du khách có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về các điểm đến du lịch có trách nhiệm, các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường và văn hóa địa phương thông qua các nền tảng truyền thông số như website, ứng dụng du lịch, mạng xã hội… Trong bối cảnh giới trẻ ngày nay sử dụng internet và các nền tảng truyền thông số một cách thường xuyên, với thời gian truy cập ngày càng cao, việc ứng dụng nền tảng truyền thông số được kỳ vọng là công cụ hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức cho giới trẻ về du lịch có trách nhiệm.
Vai trò nền tảng truyền thông số với du lịch có trách nhiệm với giới trẻ
Du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, du lịch cũng tiềm ẩn những nguy cơ, tác động tiêu cực đến môi trường, văn hóa và cộng đồng địa phương. Du lịch có trách nhiệm (DLCTN) là giải pháp thiết yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành Du lịch.
Khái niệm DLCTN lần đầu tiên được giới thiệu chính thức trong Tuyên bố Cape Town về DLCTN tại Hội nghị quốc tế về “DLCTN tại các điểm đến” tổ chức tại Cape Town năm 2002. DLCTN là một cách tiếp cận quản lý du lịch nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực, thực hiện các tiêu chuẩn đạo đức nhằm đảm bảo rằng các bên liên quan làm đúng trách nhiệm của mình để đưa du lịch phát triển tốt hơn và bền vững hơn.
Trong những năm gần đây, các nền tảng truyền thông số như website, mạng xã hội và ứng dụng trên điện thoại di động cung cấp thông tin du lịch ngày càng phổ biến. Nền tảng truyền thông số giúp du lịch phát triển mạnh mẽ và trở thành công cụ thiết yếu phát triển ngành Du lịch bền vững nói chung và DLCTN nói riêng. Việc sử dụng hiệu quả các nền tảng này giúp giới trẻ nhận thức đúng tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, văn hóa và di sản, đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và du khách.
Nhu cầu và xu hướng sử dụng nền tảng truyền thông số của giới trẻ
Về nhu cầu sử dụng các nền tảng truyền thông số trong giới trẻ
Ngày nay, giới trẻ sử dụng các nền tảng truyền thông số một cách thường xuyên, với thời gian truy cập trung bình cao. Theo một số báo cáo và kết quả khảo sát, thời gian sử dụng internet trong ngày của giới trẻ có thể lên đến 7 giờ/ngày. Kết quả khảo sát từ 26.331 sinh viên cho thấy, gần như tất cả sinh viên đều sử dụng Facebook và Zalo với tỷ lệ rất cao (97.8% và 97%). Ngoài Facebook, Zalo ứng dụng Instagram và Tiktok cũng là hai dịch vụ mạng xã hội được sinh viên sử dụng rất nhiều với tỷ lệ lần lượt là 84.7% và 85.6%. Giới trẻ sử dụng nền tảng truyền thông số với nhiều mục địch như: kết nối, giao tiếp, tìm kiếm thông tin, giải trí, học tập, mua sắm.
Về các nền tảng truyền thông số phổ biến được giới trẻ sử dụng
– Mạng xã hội: Hiện nay các nền tảng YouTube, Facebook, TikTok, Instagram được giới trẻ dành nhiều thời gian trong ngày. Mạng xã hội Facebook phổ biến tại Việt Nam cho phép giới trẻ kết nối với bạn bè và gia đình, chia sẻ hình ảnh, video và cập nhật trạng thái, tham gia vào các nhóm và cộng đồng… Nền tảng chia sẻ video YouTube là nơi giới trẻ xem video giải trí, âm nhạc, giáo dục, hướng dẫn… Mạng xã hội TikTok chia sẻ video ngắn là nơi giới trẻ sáng tạo và chia sẻ các video giải trí, giáo dục… Mạng xã hội Instagram chia sẻ hình ảnh và video về những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống, theo dõi những người nổi tiếng và thương hiệu yêu thích, khám phá các xu hướng mới…
– Website tin tức và tìm kiếm: Bên cạnh mạng xã hội, hệ thống website tìm kiếm và cung cấp thông tin về du lịch cũng được giới trẻ sử dụng khá nhiều. Chẳng hạn như: công cụ tìm kiếm Google cung cấp thông tin về mọi chủ đề theo yêu cầu; các trang web tin tức cung cấp tin tức và thông tin cập nhật về các thông tin du lịch trong nước và quốc tế; Các trang web công ty du lịch và web của đại lý du lịch trực tuyến. Các diễn đàn, blog (nhật ký) về du lịch thảo luận về các chủ đề DLCTN (bao gồm cả Blog cá nhân và Blog chuyên ngành)…
– Ứng dụng di động về du lịch trực tuyến: Hiện nay, các ứng dụng về du lịch trực tuyến như Booking, Agoda, Ivivu, Airbnb, Tripadvisor, Vntrip. Mytour… cho phép người dùng tra cứu thông tin du lịch, mua sắm sản phẩm du lịch trực tuyến một cách tiện lợi, người dùng còn có thể chia sẻ thông tin về dịch vụ du lịch đã sử dụng. Đây chính là những lợi ích mà giới trẻ rất quan tâm khi sử dụng.
Ứng dụng các nền tảng truyền thông số nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm
Nền tảng truyền thông số cung cấp nhiều thông tin về điểm đến du lịch, hoạt động trải nghiệm văn hóa
Trong nghiên cứu này, thông qua 410 mẫu khảo sát, nhóm tác giả đã điều tra về việc sử dụng các nền tảng truyền thông số trong hoạt động tìm kiến thông tin du lịch của giới trẻ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng các website, mạng xã hội và ứng dụng di động về DLCTN mang lại nhiều lợi ích cho du khách trẻ như: Tiết kiệm thời gian và công sức do có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về các điểm đến DLCTN, hoạt động trải nghiệm văn hóa và các dịch vụ du lịch khác; So sánh giá cả của các dịch vụ du lịch khác nhau trước khi đặt mua; Đặt dịch vụ trực tuyến nhanh chóng và tiện lợi…
Nền tảng truyền thông số – kênh quảng bá các hoạt động du lịch có trách nhiệm
Thông qua các nền tảng truyền thông số như Facebook, Youtube, Instagram, TikTok đã góp phần truyền thông, quảng bá rộng khắp về các hoạt động DLCTN. Một số chiến dịch như “Việt Nam – Điểm đến hấp dẫn du khách trẻ tuổi” với nội dung chiến dịch sử dụng hình ảnh và video đẹp mắt để giới thiệu các điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam, cùng với các hoạt động trải nghiệm thú vị như trekking, homestay, khám phá văn hóa địa phương… Chiến dịch thu hút sự tham gia của đông đảo giới trẻ, đặc biệt là những người đam mê du lịch khám phá, góp phần nâng cao nhận thức về tiềm năng du lịch của Việt Nam đối với giới trẻ trong nước và quốc tế. Chiến dịch “Du lịch xanh – Bảo vệ môi trường” với nội dung nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc DLCTN và bảo vệ môi trường. Chiến dịch chia sẻ những thông tin về tác động của du lịch đối với môi trường, đồng thời khuyến khích du khách áp dụng những hành vi du lịch thân thiện với môi trường… Điểm chung của các chiến dịch này là sử dụng các kênh truyền thông trực tuyến phổ biến như mạng xã hội, Youtube, nhật ký cá nhân để tiếp cận giới trẻ một cách hiệu quả; sử dụng nội dung sáng tạo, hấp dẫn và phù hợp với sở thích của giới trẻ; tận dụng sức mạnh của cộng đồng trực tuyến để lan tỏa thông điệp về DLCTN. Nhờ có các hoạt động quảng bá về DLCTN trực tuyến, DLCTN ngày càng được giới trẻ quan tâm và lựa chọn.
Khó khăn, hạn chế
Thông qua 410 mẫu khảo sát, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế:
Thiếu thông tin về các điểm đến du lịch có trách nhiệm
Hiện nay, việc tiếp cận thông tin về các điểm đến DLCTN còn gặp một số khó khăn như:
– Thiếu nguồn thông tin tập trung về hoạt động DLCTN: Thông tin về DLCTN thường rải rác trên nhiều trang web, diễn đàn, mạng xã hội khác nhau, khiến du khách khó khăn trong việc tìm kiếm và tổng hợp. Các trang web chính thức về du lịch cũng chưa dành nhiều sự quan tâm đến mảng DLCTN, dẫn đến việc thiếu thông tin chính thống và đầy đủ.
– Chất lượng thông tin về DLCTN chưa đồng đều: Một số thông tin về DLCTN chưa được kiểm chứng kỹ lưỡng, ít có đánh giá từ những người đã trải nghiệm thực tế dẫn đến việc giới trẻ nhìn nhận sai lệch, không có căn cứ để đánh giá, so sánh các điểm đến. Đây là nguyên nhân gây hoang mang dẫn đến khó khăn trong lựa chọn điểm đến DLCTN.
Thiếu sự đồng đều trong nhận thức và hành động của giới trẻ về du lịch có trách nhiệm
– Một bộ phận giới trẻ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của DLCTN: Giới trẻ hiện nay chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của DLCTN. Một số lý do chính của tình trạng này là do: Thiếu thông tin về DLCTN, lợi ích của DLCTN đối với bản thân, cộng đồng và môi trường; Quan niệm sai lầm về DLCTN, cho rằng DLCTN là một hình thức du lịch thiếu tiện nghi và không phù hợp với nhu cầu của giới trẻ…
– Một số hành vi du lịch thiếu trách nhiệm của giới trẻ: Trong quá trình tham gia vào các hoạt động du lịch một số hành vi của giới trẻ ảnh hưởng đến môi trường như: Xả rác bừa bãi tại các điểm tham quan, khu du lịch, gây ô nhiễm môi trường đất, nước và cảnh quan; Hủy hoại hệ sinh thái như bẻ cành cây, hái hoa, bắt động vật hoang dã…; Sử dụng lãng phí tài nguyên nước, điện, và các tài nguyên khác. Những hành vi thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm gây tác động tiêu cực đến môi trường, gây tổn hại đến bản sắc văn hóa địa phương, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch địa phương.
Giá thành của các dịch vụ du lịch có trách nhiệm khá cao
Giá thành của các dịch vụ DLCTN thường cao hơn so với các dịch vụ du lịch thông thường. Điều này có thể khiến giới trẻ e ngại và hạn chế tham gia vào các hoạt động DLCTN. Một số nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này là do chi phí vận hành, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực cao. Ngoài ra, số lượng DN cung cấp dịch vụ DLCTN còn ít, quy mô hoạt động thường nhỏ, dẫn đến chi phí cố định cao và giá dịch vụ cao hơn so với các DN du lịch lớn.
Khuyến nghị giải pháp
Nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm cho giới trẻ
Tăng cường tuyên truyền trên các nền tảng truyền thông số, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với giới trẻ.
– Lựa chọn nền tảng truyền thông số phù hợp với giới trẻ thông qua Youtube, Facebook, Instagram, TikTok,… với nội dung bài viết và các video với chủ đề DLCTN hấp dẫn, sinh động cùng với đó là sự tan tỏa thông tin rộng không chỉ ở Việt Nam mà còn mở rộng phạm vi quốc tế; các website và blog du lịch chia sẻ thông tin về các điểm đến du lịch, bài viết trải nghiệm và hoạt động thú vị của DLCTN; phát triển ứng dụng di động cung cấp thông tin, hỗ trợ du khách đặt dịch vụ và trải nghiệm du lịch nói chung và DLCTN nói riêng.
– Sử dụng ngôn ngữ gần gũi với giới trẻ thay vì sử dụng ngôn ngữ trang trọng; sử dụng các từ ngữ sôi động, theo xu hướng (trend)… Đặc biệt, sử dụng ngôn ngữ trẻ trung qua các câu chuyện, hình ảnh, video về DLCTN với nội dung hấp dẫn, khơi gợi sự tò mò và mong muốn trải nghiệm của giới trẻ.
– Tập trung vào lợi ích của DLCTN đem lại cho giới trẻ như: khám phá những vùng đất mới, trải nghiệm văn hóa độc đáo, kết nối với thiên nhiên, học hỏi kỹ năng mới,…; sử dụng hình ảnh, video đẹp mắt, sinh động để truyền tải thông điệp một cách trực quan và hiệu quả;…
– Tạo cơ hội tương tác khuyến khích giới trẻ bình luận, chia sẻ, đóng góp ý kiến về DLCTN trên các nền tảng truyền thông số; tổ chức các cuộc thi ảnh, viết bài về DLCTN để thu hút sự tham gia của giới trẻ; livestream trực tiếp về các điểm đến DLCTN để giới thiệu trải nghiệm thực tế.
– Hợp tác với người có ảnh hưởng (KOLs và influencers) sử dụng hình ảnh, video của họ tác động tới giới trẻ nhằm quảng bá về DLCTN, tạo các chiến dịch marketing kết hợp với người có ảnh hưởng để thu hút sự chú ý của giới trẻ.
Lồng ghép giáo dục du lịch có trách nhiệm vào chương trình học trong nhà trường
Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về DLCTN cho giới trẻ. Thông qua các hoạt động giáo dục và trải nghiệm thực tế, nhà trường có thể giúp thế hệ trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về DLCTN, góp phần thúc đẩy sự phát triển của DLCTN tại Việt Nam.
– Đưa nội dung DLCTN vào bài giảng: Lồng ghép các kiến thức về DLCTN vào các môn học thuộc khối kiến thức chung, sử dụng các tài liệu, hình ảnh, video về DLCTN trong giảng dạy; Giao cho giới trẻ tìm hiểu về các lợi ích của DLCTN dưới các hình thức như: chủ đề thảo luận nhóm, bài luận, bài tập tình huống ….
– Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tạo điều kiện cho giới trẻ tham gia các hoạt động DLCTN: Tham quan các điểm đến DLCTN, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, lao động sản xuất; Gặp gỡ, giao lưu với người dân; Tổ chức các cuộc thi viết về nội dung và quảng bá DLCTN; Hỗ trợ giới trẻ tham gia các câu lạc bộ DLCTN trong nhà trường; Kết nối giới trẻ với các tổ chức, DN hoạt động trong lĩnh vực DLCTN…
Phát triển các nội dụng về du lịch có trách nhiệm trên tảng truyền thông số
– Đối với Chính phủ: Phát triển cổng thông tin DLCTN cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, cập nhật về các điểm đến DLCTN trên các kênh truyền thông uy tín; Xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá, xếp hạng về DLCTN; Cần đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển DLCTN đến cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường, văn hoá của điểm đến; Hỗ trợ về tài chính, hạ tầng cơ sở, đào tạo nhân lực cho các hoạt động DLCTN…
– Đối với DN và các hiệp hội du lịch: Cần phát triển các sản phẩm du lịch DLCTN hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của giới trẻ; xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, trách nhiệm khuyến khích du khách nói chung và giới trẻ nói riêng tham gia các hoạt động DLCTN bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương; nâng cao năng lực quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động kinh doanh, và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ DLCTN; tạo các diễn đàn, hội nhóm trực tuyến để chia sẻ kinh nghiệm về DLCTN.
– Đối với nhà trường: Cần đưa nội dung giáo dục về DLCTN vào chương trình giảng dạy để giúp giới trẻ hiểu rõ về tầm quan trọng của DLCTN, kết hợp tổ chức chương trình ngoại khóa để giới trẻ tiếp cận nhiều hơn với hoạt động DLCTN.
Cơ quan quản lý nhà nước, DN và các hiệp hội du lịch, nhà trường cần phối hợp tổ chức thường xuyên các hội thảo, mở cuộc thi tìm hiểu DLCTN thông qua các nền tảng số như: thi sáng tác câu truyện ngắn/nhật ký, phim ngắn về trải nghiệm du lịch kết hợp với văn hóa địa phương… Thông qua nền tảng truyền thống số phát triển DLCTN nói chung và nâng cao nhận thức về DLCTN cho giới trẻ nói riêng sẽ đem lại những lợi ích to lớn cả khách du lịch, môi trường sinh thái, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của ngành Du lịch trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
- Lê Thu Thủy (2022),“Thực trạng nghiên cứu và triển khai du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam”, Tạp chí Công Thương;
- Đặng Thị Thúy Hiền (2022), “Nghiên cứu nhận thức của khách du lịch về du lịch có trách nhiệm tại TP. Huế”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế;
- Nguyễn Trọng Nhân (2020), “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch có trách nhiệm ở Huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang”, Tạp chí Khoa học Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh;
- Phạm Thị Thúy Nguyệt (2019), “Khảo sát nhận thức của giới trẻ về nguyên tắc ứng xử du lịch có trách nhiệm tại điểm đến”, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Nguồn: Tạp chí Tài Chính