Hà Nội cần các địa điểm văn hóa giàu cảm xúc
TTO – Có một hiệu ứng kinh tế rất lớn do việc bảo tồn di sản mang lại, vì không chỉ công trình ấy có được tiền vé tham quan mà còn kéo theo một loạt dịch vụ du lịch khác được hưởng lợi…
Nhân câu chuyện Viện Pháp tại Hà Nội (L’Espace) phải chia tay địa điểm thân thuộc tại 24 Tràng Tiền và các tòa nhà cổ ở 61 Trần Phú cạnh quảng trường Ba Đình đang bị đập bỏ để xây cao ốc, Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với bà tham tán văn hóa, giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam Maysonnave Sophie.
Bảo vệ sức hấp dẫn riêng của Hà Nội
* Bà nghĩ sao trước việc khá đông người Hà Nội những ngày qua đã bày tỏ nỗi luyến tiếc khi hay tin Viện Pháp tại Hà Nội sắp chia tay góc phố Tràng Tiền thân quen để đến một địa điểm mới?
– Chúng tôi đã thấy việc chuyển địa điểm của L’Espace khỏi nơi quen thuộc gần 20 năm với người Hà Nội đã tạo ra nhiều sự xúc động trong công chúng. Bản thân tôi cũng rất xúc động bởi đã có rất nhiều hoạt động tuyệt vời diễn ra ở đây như các buổi hòa nhạc, chiếu phim, triển lãm, những buổi nói chuyện của những tên tuổi lớn như tổng thống Pháp Jacques Chirac, nhà toán học Ngô Bảo Châu…
Nơi đây lưu dấu nhiều ký ức tuyệt vời trong nhiều người nên có lý do chính đáng để mọi người lưu luyến khi phải chia tay nơi này.
* Viện Pháp tại Hà Nội đã rất thành công trong việc cải tạo một nhà in có từ đầu thế kỷ 20 trở thành một trung tâm văn hóa sôi động với hội trường, thư viện, phòng triển lãm… và vẫn bảo tồn nguyên vẹn hình dáng bên ngoài của tòa nhà. Nhiều người đang lo lắng tới đây công trình này sẽ biến thành một trung tâm thương mại, nếu được hỏi ý kiến, bà sẽ tư vấn gì cho việc sử dụng địa chỉ này trong tương lai?
– Tại địa chỉ này chúng tôi đã mang lại một trung tâm văn hóa hấp dẫn. Chúng tôi đã chọn hướng tiếp cận bền vững trong việc sử dụng, khai thác các công trình kiến trúc cũ. Chúng tôi nghĩ rằng mình đã làm rất tốt vì xây dựng được cả một chương trình, hoạt động văn hóa không chỉ thu hút người Việt Nam mà còn thu hút rất nhiều người nước ngoài.
Với một thành phố, để có thể thu hút được du khách, tôi nghĩ rằng một trung tâm văn hóa sẽ tốt hơn một trung tâm thương mại, bởi trung tâm thương mại ở đâu trên thế giới cũng có. Nếu nơi đây tiếp tục được duy trì là trung tâm văn hóa thì rất tuyệt vời.
Hà Nội có một lợi thế là rất giàu có về di sản độc đáo, điều này làm nên bản sắc, sự hấp dẫn riêng của thành phố này mà các thành phố khác không có, nên tôi mong các bạn sẽ bảo vệ được những giá trị tuyệt vời của mình.
Các bạn có thể thấy chúng tôi đã không chọn đặt trụ sở mới của mình trong một tòa nhà cao ốc hiện đại. Chúng khá vô hồn. Chúng tôi mong muốn tặng cho công chúng Hà Nội một điểm văn hóa giàu cảm xúc.
Chính vì vậy, chúng tôi đã tìm những biệt thự Pháp, đầu tư nhiều tiền cho việc cải tạo, tu bổ. Việc chúng tôi đầu tư hai biệt thự ở số 15 và số 8 Thiền Quang để làm địa điểm mới là một trong những hành động của chúng tôi đóng góp vào việc bảo vệ, giữ gìn di sản và bản sắc của Hà Nội.
Bảo tồn tốt mang lại lợi ích lớn về kinh tế
* Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm của Pháp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản kiến trúc?
– Ở Pháp có xu hướng bảo tồn các di sản kiến trúc, khai thác nó ở những mục đích mới. Chúng tôi không chỉ tu bổ, bảo tồn các biệt thự, tòa nhà cổ mà kể cả những nhà máy, cơ sở công nghiệp vì các công trình này đều đẹp và mang trong đó rất nhiều ký ức của cư dân, chúng đều rất có hồn. Từ kinh nghiệm của Pháp, có thể thấy việc bảo tồn di sản mang lại giá trị rất lớn về cả văn hóa và kinh tế.
Một ví dụ tiêu biểu là Bảo tàng Orsay ở Paris đang trưng bày các tác phẩm của các họa sĩ trường phái Ấn tượng. Trước đây nó là một nhà ga – ga Orsay. Nhưng Pháp đã quyết định biến nó thành bảo tàng thay vì đập bỏ. Nay thì bảo tàng này đã nằm trong số các bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới. Khách tham quan đến bảo tàng này không chỉ muốn chiêm ngưỡng các tác phẩm hội họa mà họ còn muốn khám phá kiến trúc tuyệt vời của bảo tàng được cải tạo từ nhà ga cũ này.
Thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có lẽ sẽ rút ra kinh nghiệm nào đó trong việc bảo vệ và khai thác di sản từ xu hướng này ở Pháp để có thể tránh những sai lầm đáng tiếc.
* Việc phá dỡ một nhà máy cũ được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 để chuẩn bị xây cao ốc ngay khu trung tâm chính trị Ba Đình, ngoài ý kiến nhiều người muốn bảo vệ di sản và cảnh quan đặc sắc của khu nội đô lịch sử, cũng có ý kiến cho rằng việc phá cũ xây mới là cần thiết để đem đến lợi ích kinh tế, bà nghĩ sao?
– Đó là 2 cách tiếp cận khác nhau trong phân chia lợi ích. Nếu phá công trình kiến trúc cổ để xây dựng trung tâm thương mại thì lợi ích lớn về hết túi của một nhóm nhỏ là các nhà đầu tư. Nhưng nếu chúng ta chọn bảo tồn thì sẽ có lợi ích lớn hơn nhiều và bền vững hơn cho cả cộng đồng, các nghệ sĩ, các nhà hàng, các công ty du lịch, khách sạn, hàng không, taxi…
Có một hiệu ứng kinh tế rất lớn do việc bảo tồn di sản mang lại, vì không chỉ công trình ấy có được tiền vé tham quan mà còn kéo theo một loạt dịch vụ du lịch khác được hưởng lợi… Cả một hệ sinh thái cùng tăng trưởng theo khi chúng ta bảo tồn di sản tốt, mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế.
Nguồn: tuoitre.vn