Phát triển du lịch sinh thái gắn với “dược liệu” – Tiềm năng và giải pháp
Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu gắn với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch… Với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên dược liệu rất phong phú và đa dạng. Hãy cùng WAFORT khám phá loại hình du lịch sinh thái gắn với “dược liệu” qua bài viết này nhé.
1. Khai thác du lịch qua con đường dược liệu
Qua điều tra thống kê, có trên 5.100 loài cây dược liệu đã được ghi nhận, trong đó khoảng hơn 200 loài đã được có giá trị thương mại. Có nhiều loài cây dược liệu quý, hiếm đặc hữu vừa có công dụng chữa bệnh vừa có giá trị kinh tế cao, được phân bố rộng khắp trên cả nước.Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, quy hoạch 08 vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái để đáp ứng nhu cầu thị trường khách du lịch.Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có tiềm năng dồi dào cho việc phát triển loại hình du lịch sinh thái. Tại Việt Nam, du lịch sinh thái cộng đồng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình phát triển ở các vùng nông thôn nước ta, tạo nhiều cơ hội cho cộng đồng địa phương thu nhập trực tiếp từ hoạt động du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng dịch vụ và phát triển bền vững.ThS. Lê Minh Tuấn, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận xét: “Với các lợi thế như vậy, nếu gắn phát triển các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch, có thể tạo một ngành kinh tế “lai” dựa trên nền tảng văn hóa– cảnh quan– thảo dược có dung lượng lớn, có thể xuất khẩu tại chỗ”.2. Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển sinh thái gắn với dược liệu
Để phát triển du lịch sinh thái gắn với dược liệu. ThS. Tuấn cho rằng Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia.Ví dụ như Đức là một trong những quốc gia hàng đầu trong phát triển các mô hình du lịch sinh thái kết hợp với dược liệu. Chính phủ Đức đã thực hiện các chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức phi chính phủ trong việc xây dựng các mô hình du lịch bền vững. Các vườn dược liệu được quy hoạch và xây dựng tại các khu vực có tiềm năng về sinh thái, kết hợp với các hoạt động du lịch như tham quan, học hỏi về dược liệu và các phương pháp chăm sóc sức khỏe truyền thống.Một trong những mô hình thành công là khu bảo tồn thiên nhiên Black Forest (Rừng Đen), nơi du khách có thể khám phá các loài dược liệu bản địa, tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe tự nhiên và thư giãn thông qua việc sử dụng các sản phẩm từ dược liệu. Chính phủ Đức cũng chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi của người dân bản địa, đảm bảo rằng lợi ích từ phát triển du lịch được phân chia công bằng và mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng. Cùng trong khu vực, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia có truyền thống lâu đời về việc sử dụng dược liệu trong y học và chăm sóc sức khỏe, và đã tích cực kết hợp dược liệu vào các chương trình du lịch sinh thái.Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành các chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dược liệu từ thiên nhiên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương tham gia vào việc phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp với dược liệu. Việc gắn kết chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính phủ đã giúp Nhật Bản xây dựng các mô hình du lịch bền vững, góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá.Trong khi đó, Hàn Quốc đã xây dựng nhiều chương trình đào tạo và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến dược liệu. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc còn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thông qua các chương trình kiểm tra chất lượng và chứng nhận sản phẩm dược liệu.3. 8 giải pháp chính sách phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với dược liệu
Thứ nhất, nghiên cứu nghiêm túc, có căn cứ việc về việc trồng dược liệu. Lựa chọn cây dược liệu hiệu quả, đặc sắc và hợp với vùng khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Thứ hai, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới trong lĩnh vực du lịch, tập trung vào việc kinh doanh dựa trên giá trị văn hóa địa phương, đồng thời xây dựng không gian văn hóa và dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp với đặc trưng của từng vùng.Thứ ba, xây dựng một hệ thống chuẩn hóa bao gồm các tiêu chuẩn về sản phẩm dược liệu và dịch vụ du lịch, đảm bảo tính đồng nhất về chất lượng, quy trình sản xuất, an toàn và hiệu quả.Thứ tư, cần xây dựng chính sách khuyến khích và thu hút những người có kinh nghiệm, kỹ năng, và được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực du lịch và dược liệu, đặc biệt là người địa phương để làm việc, đầu tư và kinh doanh. Chính sách này sẽ góp phần bổ sung nguồn nhân lực có trình độ, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch và dược liệu trong tỉnh.Thứ năm, về quảng bá, truyền thông và kết nối thị trường: Gắn kết các chủ thể sản xuất– kinh doanh tại cộng đồng với các chủ thể khác trong chuỗi giá trị (như các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các nhà hàng,…) nhằm kéo dài chuỗi giá trị, phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.Thứ sáu, địa phương cần có chính sách khuyến khích các công ty du lịch, lữ hành của địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch với những yếu tố độc đáo. Điều này không chỉ mang đến trải nghiệm phong phú cho du khách mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa. Thứ bảy, địa phương cần tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại các làng văn hóa du lịch gắn với dược liệu, bao gồm việc cung cấp hạ tầng cần thiết như đường giao thông, điện, nước, và công nghệ thông tin.Thứ tám, địa phương cần trao quyền tự quyết cho các tuyến dưới trong lựa chọn phương thức, định hướng và mô hình phát triển du lịch và dược liệu, đảm bảo khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh và tiềm năng riêng của từng vùng.4. Tiềm năng phát triển du lịch ở các vùng dược liệu
4.1. Lào Cai
So với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Lào Cai là một trong những địa phương hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch, trong những năm vừa qua đã có những bước phát triển vượt bậc. Du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp 13 -15% GRDP toàn tỉnh trong giai đoạn 2015-2020. Khách du lịch tăng cao đồng thời với việc nhu cầu mua sắm của khách hàng tăng, đặc biệt là những sản phẩm có nguồn gốc của địa phương. Sản phẩm dược liệu tiêu biểu được coi là “đặc sản” của địa phương đó là thuốc tắm của người Dao đỏ. Bài thuốc tắm của người Dao đỏ là sự kết hợp giữa tinh hoa của núi rừng với kiến thức y thuật và tri thức bản địa của cộng đồng người Dao. Sau bao năm chỉ trao truyền và phát huy giá trị trong cộng đồng mình, giờ đây, với sự tham gia vào khâu sản xuất và kết nối thị trường của các doanh nghiệp.Bài thuốc tắm nổi danh này đang trở thành một sản phẩm du lịch đặc hữu của Lào Cai, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp người dân địa phương bảo tồn được sản phẩm dược liệu đặc hữu của mình.Một số đơn vị sản xuất thuốc tắm Dao đỏ đã xây dựng riêng vùng nguyên liệu như Công ty Cổ phần Thương mại Hùng Dũng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sapanapro, Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ,…Tại các hộ homestay, các điểm du lịch cộng đồng, du khách có thể trải nghiệm tham gia quy trình hái lá thuốc, đun nước tắm. Bên cạnh đó, các công ty kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa xây dựng thương hiệu thuốc tắm người Dao đã cho ra thị trường các sản phẩm độc đáo như cao thuốc tắm, sữa tắm dược liệu, những sản phẩm này đã theo chân khách du lịch quốc tế đến với khu du lịch quốc gia Sa Pa đi các nước trên thế giới.Ngoài thuốc tắm, thuốc ngâm chân của người Dao cũng được du khách ưu thích, được sản xuất từ hơn 100 loài cây thảo dược bản địa như chùa dù, xả, hương nhu, ông lão,… mang tinh dầu tự nhiên kết hợp hoạt chất từ bồn pơmu gỗ mang lại hiệu quả cao trong điều trị dược lý, giảm stress, giảm mệt mỏi, căng thẳng, tăng cường sức khỏe. Vùng dược liệu được trồng nhiều tại huyện Bát Xát, Sa Pa, Bắc Hà; các sản phẩm từ dược liệu đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao như Trà túi lọc dây leo Sa Pa; Trà giảo cổ lam Sa Pa; Trà dây leo Sa Pa; Trà túi lọc giảo cổ lam Sa Pa; Cao Mềm Atiso Sa Pa; Cao phun sương Atiso Sa Pa.Bên cạnh thảo dược chăm sóc sức khỏe cũng đã có doanh nghiệp quan tâm đầu tư nghiên cứu các loại mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp từ các loại thảo dược an toàn khi sử dụng và thân thiện môi trường.Điển hình như các loại sản phẩm son dưỡng môi, kem dưỡng ẩm, mặt nạ tía tô, sữa rửa mặt tía tô, nghệ đỏ, toner tía tô, mặt nạ hoa hồng, mặt nạ nghệ đỏ, sữa tắm, dầu gội đầu tía tô….của Hợp tác xã Sa Pa Secrets đã nghiên cứu, xây dựng được vùng nguyên liệu rộng 30ha tía tô, đạt tiêu chuẩn VietGap.Ngoài ra, thảo dược còn được dùng trong chế biến các món ăn để tăng cường sức khỏe phục vụ khách du lịch như Hoài Sơn, các loại nấm, cây lá dứa, tai chua, sen, khởi tử, bò khai, rau ngót rừng, đương quy, ngũ gia bì gai…Một số địa phương đã xây dựng mô hình trồng thảo dược (đương quy, giảo cổ lam, khởi tử, bò khai…) gắn với các món ăn bản địa độc đáo, thu hút khách du lịch nhằm tăng giá trị kinh tế; các mô hình rau bản địa, rau rừng phát triển theo hướng hữu cơ được thị trường ưa chuộng, giá bán ổn định.Ngoài giá trị chăm sóc sức khỏe, các tour tham quan vườn dược liệu đang dần trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo du khách.Sản phẩm du lịch từ cây thuốc đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào các dân tộc.Trong thời gian tới để định hướng cho loại hình chăm sóc sức khỏe phát triển và phát triển dược liệu gắn với du lịch, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp.Tỉnh phát triển 22 chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế, với diện tích 3.700 ha, sản lượng đạt khoảng 16.000-17.000 tấn/năm; chú trọng phát triển sản xuất dược liệu gắn với hoạt động du lịch sinh thái, phát huy các thế mạnh của địa phương, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.4.2. Cao nguyên Sìn Hồ – Lai Châu
Là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của chính quyền tỉnh Lai Châu, sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc, Sìn Hồ đã trở thành một điểm đến, thu hút các nhà đầu tư phát triển vùng dược liệu Sâm Lai Châu, Đương quy, Atisô,… gắn với du lịch sinh thái và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Hiện, Sìn Hồ có 23 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao và nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách như: đồi chè cổ, động ông Tiên…Phát triển mỗi tấc đất thành vùng trồng dược liệuTừ TP Lai Châu, chúng tôi xuất phát tới trung tâm thị trấn của huyện biên giới Sìn Hồ chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ với cung đường gần 60km; Sìn Hồ đón chúng tôi bằng cơn mưa và những cung đường bồng bềnh sương trắng, không khí mát lành. Tìm hiểu được biết, Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, có tổng diện tích tự nhiên 152.245,2 ha, trong đó: đất nông nghiệp 93.180,2 ha; đất phi nông nghiệp 7.751,4 ha; đất chưa sử dụng 51.313,6 ha. Khí hậu ở Sìn Hồ tương đối mát mẻ và được chia làm hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa trung bình hằng năm từ 2.050 đến 3.450mm.Nhiệt độ trung bình ở Sìn Hồ từ 18C – 25°C, riêng khu vực cao nguyên Tả Phìn từ 15 – 17°C, cao nhất không quá 23°C; nhiệt độ thấp nhất khoảng 3°C, có năm xuống tới 0°C do vậy rất thích hợp trong việc phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt là trồng sâm …Từ việc trồng Sâm, nhiều hộ gia đình đã có tiền để xây nhà, mua xe đi lại, cuộc sống không còn khó khăn như trước đây. Về Sìn Hồ, chúng tôi được nghe về những tấm gương làm kinh tế giỏi, dần thoát khỏi cách làm nông nghiệp truyền thống để đầu tư sang cây kinh tế mũi nhọn như trường hợp của hộ gia đình anh Giàng A Lồng, SN 1990, trú bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ.Hay hộ gia đình anh Giàng A Chớ, SN 1970, hộ gia đình anh Giàng A Ứ, SN 1980, cũng trú bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn, với diện tích trồng Sâm của mỗi hộ lên tới 200m2. Những tấc đất trước đây trồng ngô, lúa, cây ăn quả, dưới sự dẫn dắt, định hướng của chính quyền và doanh nghiệp, người dân đã thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư trồng dược liệu gắn với phát triển du lịch. Việc phát triển cây dược liệu ở Sìn Hồ đã và đang mang lại giá trị kinh tế rất lớn, trong đó có cả thu nhập đến từ việc phát triển du lịch sinh thái. Tình hình phát triển kinh tế – xã hội của huyện tiếp tục có bước phát triển, thu nhập bình quân đầu người năm sau tăng cao hơn năm trước. Hoạt động sản xuất nông – lâm nghiệp được quan tâm chỉ đạo, thực hiện đã hình thành một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực; 23 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao.Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện kịp thời; các chính sách an sinh xã hội, đào tạonghề, giải quyết việc làm cho người lao động đạt kết quả tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, quốc phòng – an ninh được giữ vững- Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ chia sẻ thêm.Phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh du lịch Bí thư Đảng ủy xã Sà Dề Phìn Hà Qúy Trọng cho biết, tại xã Sà Dề Phìn đang có 2 doanh nghiệp đầu tư trồng cây dược liệu, đồng thời phát triển mô hình lưu trú (farmstay), đó là Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh và Công ty Cổ phần Sao Đỏ – Tây Bắc. Đến với miền biên viễn Sìn Hồ, du khách có thể thăm quan, chụp ảnh tại vườn sâm, trải nghiệm mua sâm, trồng sâm, thu hái sâm, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, đó sẽ là một trong những trải nghiệm khó quên.Ngoài ra, Sìn Hồ có nhiều điểm thăm quan nổi tiếng như: thác Nậm Lúc, núi Đá Ô, động ông Tiên, đồi chè cổ…Du khác sẽ được trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ nơi núi rừng Tây Bắc, chiêm ngưỡng những nét văn hóa truyền thống, các món ăn đậm đà bản sắc của các dân tộc: Dao, Mông, Thái,… của huyện Sìn Hồ.Anh Dương Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh chia sẻ cơ duyên để anh gắn bó với vùng đất Sìn Hồ. Qua nghiên cứu huyện Sìn Hồ là vùng cao biên giới, địa hình, khí hậu, quanh năm sương mù, độ cao từ 1500m đến 1600m so với mặt nước biển; dân cư sinh sống rải rác, diện tích đất canh tác, rừng bao phủ thuận lợi. Tuy nhiên, đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.Sâm Lai Châu là giống cây dược liệu bản địa, phù hợp với khí hậu, thời tiết mát mẻ và đem lại giá trị kinh tế cao, do đó Công ty đã quyết định đầu tư trồng cây Sâm trên địa bàn huyện Sìn Hồ, thuận lợi cho việc tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho bà con. Ngoài việc trồng và phát triển Sâm Lai Châu, Công ty đã tạo môi trường, cảnh quan gắn với phát triển du lịch nhằm thu hút khách đến thăm quan trải nghiệm các điểm du lịch của huyện Sìn Hồ. Đại tá Tao Văn Trường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, công tác đảm bảo ANTT gắn với phát triển du lịch sinh thái, phát triển kinh tế trên địa bàn Lai Châu nói chung, Sìn Hồ nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công an tỉnh Lai Châu.Lai Châu là tỉnh vùng núi, biên giới phía Tây Bắc, có 20 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có truyền thống, bản sắc văn hóa riêng. Tiềm năng du lịch của tỉnh Lai Châu tương đối dồi dào, bao gồm các đỉnh núi cao, các danh lam, thắng cảnh, các lễ hội truyền thống cùng các giá trị văn hóa bản sắc của dân tộc ở địa phương.Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá, du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa, phong tục, tập quán các dân tộc. Đón đầu xu hướng du lịch trong thời gian tới và căn cứ tình hình thực tiễn của địa bàn; tỉnh Lai Châu đã chủ động đẩy mạnh thu hút đầu tư và cân đối nguồn ngân sách để đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khai thác các loại hình du lịch mạo hiểm.Lai Châu có 16 điểm du lịch được cấp phép hoạt động; trong đó điểm sáng là 2 dự án dịch vụ du lịch đang được đầu tư trên địa bàn xã Sơn Bình, huyện Tam Đường và 4 điểm du lịch cộng đồng đang là điểm sáng thu hút số lượng lớn khách du lịch đến thăm quan, du dịch và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực các dân tộc.Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng chục điểm du lịch đang được đầu tư thực hiện đang trong quá trình xin UBND tỉnh cấp phép. Các dự án do UBND tỉnh phê duyệt đầu tư đều được các cơ quan chức năng thẩm định theo các quy định của pháp luật; các điểm du lịch đều có cam kết bảo đảm ANTT, được lực lượng Công an các cấp hỗ trợ xây dựng các kế hoạch, phương án bảo đảm ANTT và cứu hộ cứu nạn tại các điểm du lịch, đặc biệt là các điểm du lịch có các loại hình du lịch mạo hiểm.Thực hiện công tác đảm bảo ANTT gắn với phát triển ngành du lịch trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng An ninh du lịch thực hiện tốt công tác liên kết, phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài ngành trong việc triển khai phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh, chủ động phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, xử lý các vụ việc phức tạp về ANTT các khu, điểm du lịch, bảo đảm an toàn cho các sự kiện, lễ hội du lịch và các hoạt động xúc tiến đầu tư.Qua đó, 100% các chương trình/lễ hội trên địa bàn tỉnh đều được tổ chức thành công tốt đẹp, an toàn. Khách du lịch đã chia sẻ trên các trang mạng xã hội, góp phần tuyên truyền về hình ảnh du lịch Lai Châu an toàn, thân thiện mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc nói riêng và hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung đến du khách trong và ngoài nước.4.3. Quảng Nam – Nam Trà My
Vùng sâm Nam Trà My (Quảng Nam) đang có cơ hội phát triển lồng ghép giữa tham quan du lịch và chăm sóc sức khỏe cho du khách với danh tiếng của quốc bảo sâm Ngọc Linh.
Thác Năm Tầng, thác Suối đôi, điểm săn mây Tắk Pổ là những địa danh không thể bỏ qua với du khách muốn tìm đến cảm giác bình yên. Chỉ hơn 2 giờ đồng hồ di chuyển bằng ô tô lên các điểm du lịch trên, anh Linh cũng như nhiều du khách khác đã có thể cùng bạn bè có thể dành trọn thời gian cuối tuần thư giãn tại đây.Anh Hồ Thanh Linh (du khách) chia sẻ: “Lần đầu tiên lên tháp năm tầng mình thấy phong cảnh ở đây rất đẹp. Mình cũng muốn mọi người những ai ở xa, ở phố hay ở đâu sắp xếp được ngày lễ hoặc đi chơi lên tại thác năm tầng, mảnh đất quê hương Nam Trà My.” Bên cạnh những điểm du lịch trên, mô hình du lịch sinh thái vườn sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My cũng được địa phương bắt đầu triển khai thu hút khách tham quan tới trải nghiệm.