Du lịch có trách nhiệm là gì?

Nói một cách hoa mỹ khác thì Du Lịch Có Trách Nhiệm là một lời xin lỗi chân thành mà con người muốn nhắn gửi đến Trái Đất.Vào những năm 70s, 80s, Du lịch đại trà – du lịch đại chúng (Mass Tourism) đã từng nắm giữ vị trí đỉnh cao huy hoàng nhưng do ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như làm bão hòa đi những nét đặc trưng trong văn hóa địa phương, chỉ chăm chăm vào phát triển kinh tế thay vì duy trì và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá đã khiến cho xu hướng này dần lụi tàn và lỗi thời theo thời gian.Nhờ đó mà du lịch bền vững có tiền đề để xuất hiện nhanh chóng thay thế vị trí dẫn đầu của nó. Khái niệm du lịch bền vững lần đầu được biết đến vào năm 1992 nhằm mục đích đáp ứng các nhu cầu hiện tại trong khi vẫn bảo vệ và tăng cường cơ hội cho tương lai.Du lịch bền vững đáp ứng được cả 3 khía cạnh là: văn hóa địa phương, môi trường và kinh tế.Sự xuất hiện của xu hướng mới này tuy nghe thì có vẻ hoành tráng nhưng lại không đủ “thực tế”, còn khá mông lung, mơ hồ.Do đó, vào năm 2002, “Du lịch có trách nhiệm” ra đời và được xem như là phiên bản hoàn thiện hơn của “Du lịch bền vững”.


Vậy thì thế nào là Du lịch Có Trách Nhiệm?


Du lịch có trách nhiệm (Responsible Tourism) được hiểu đơn giản là một cách tiếp cận để quản lí và thực hiện việc đi du lịch với mục đích tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường và giảm thiểu chi phí tới các điểm đến.Bản chất của loại hình du lịch này chứa đựng những đặc trưng của phát triển du lịch bền vững, tuy nhiên nó mang tính phổ quát, định hướng cao hơn. Thậm chí điều chỉnh tất cả các loại hình du lịch khác nhằm hướng đến mục tiêu phát triển hài hòa ngành du lịch, đem lại bình đẳng cho tất cả chủ thể tham gia vào quá trình phát triển du lịch. Đồng thời góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ tạo dựng một môi trường lành mạnh.Với mục đích chính là “Tạo ra những vùng đất hứa cho con người sinh sống và du lịch”, Du lịch có trách nhiệm là công cụ đưa ra những viễn cảnh, các chuẩn mực cụ thể và thực tế để cho du khách, doanh nghiệp, địa phương và các bên liên quan có thể tự định hướng hoạt động và hành động của mình.Từ đó mà hình thành nên sự hài hòa giữa hoạt động du lịch với các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội; giữa khách du lịch, người dân, doanh nghiệp, địa phương, thiên nhiên và văn hóa…


Tại sao Du Lịch Có Trách Nhiệm lại trở thành “xu hướng”? 


Đầu tiên, khi mà thế giới càng trở nên hiện đại thì môi trường sống và kiến thức của nhân loại cũng dần được cải thiện. Con người càng phát triển thì càng nhận ra tầm quan trọng của môi trường sống.Có thể là tự mình dự đoán được hậu quả của tương lai, hay cũng có thể là kinh nghiệm đúc kết được từ những bài học trong quá khứ. Từ đó mà dần hình thành nên suy nghĩ “có trách nhiệm với môi trường chính là có trách nhiệm với bản thân mình”.Và vì kiến thức đã được nâng lên một tầng cao mớ mà khách du lịch văn minh của thế kỉ 21 thường có tiêu chí chú trọng tới các vấn đề bảo vệ môi trường, “xem, hưởng thụ, nhưng không gây hại” các văn hóa bản địa. Bảo tồn những vùng đất, cảnh đẹp, điểm đến còn xinh đẹp và nguyên sơ cho muôn đời sau.Họ chú trọng những sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, họ muốn hòa nhập vào các giá trị văn hóa, lịch sử hơn là những thú vui vô bổ bình thường, họ biết ơn và muốn giữ gìn những món quà tuyệt vời mà thiên nhiên đem lại.Thực tế cho thấy, có trách nhiệm với môi trường là một điều bắt buộc và cấp bách trong thời điểm hiện tại trước khi quá muộn. Suốt hàng ngàn năm qua, nền văn minh nhân loại thật sự đã phát triển đến mức đột biến, chúng ta phát triển quá nhanh, quá vội so với thời gian mà tự nhiên vận hành.Và cũng vì sự vội vã, hấp tấp để hoàn thiện môi trường sống nhân tạo quá mức đầy đủ, sung túc mà con người luôn mong muốn, chúng ta “vô tình” quên đi việc bảo vệ thiên nhiên. Chúng ta tàn phá môi trường, diệt chủng nhiều loài thú, gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu, xói mòn đất, … chúng ta đã phạm quá nhiều tội lỗi và đây nên là lúc chúng ta thức tỉnh để chuộc lại những lỗi lầm mà chủng loài của chúng ta đã gây ra cũng như cứu vãn mọi thứ trước khi những điều tồi tệ thực sự ập xuống.Nói một cách hoa mỹ khác thì Du Lịch Có Trách Nhiệm là một lời xin lỗi chân thành mà con người muốn nhắn gửi đến Trái Đất.


Lợi ích của “Du lịch có trách nhiệm” là gì ?


Điều khiến “Du lịch có trách nhiệm” trở thành xu hướng chính là những lợi ích tuyệt vời, có hiệu quả mà nó mang lại bao gồm:– Giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, môi trường và xã hội;– Tạo ra nhiều lợi ích về mặt kinh tế và nâng cao phúc lợi cho người dân ở địa phương;– Cải thiện điều kiện làm việc và tham gia vào hoạt động du lịch;– Khuyến khích người dân địa phương tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ;– Đóng góp một cách tích cực vào việc bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa;– Cung cấp những trải nghiệm thú vị cho du khách qua mối liên kết giữa khách du lịch và người dân địa phương;– Tạo hiểu biết về các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường tại địa phương;– Khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau giữa khách du lịch và người dân địa phương;– Tạo dựng niềm tin và lòng tự hào dân tộc cho cộng đồng.


Vai trò của chúng ta trong việc thực hiện “Du lịch có trách nhiệm là gì?”


Đối với việc phát triển du lịch có trách nhiệm, các doanh nghiệp mang một vai trò quan trọng là làm “Bản lề” cho sự phát triển và thành công của nó.Ở vị trí này, doanh nghiệp sẽ tác động vừa trực tiếp vừa gián tiếp đến việc thực hiện du lịch có trách nhiệm thông qua những hành vi khai thác các giá trị tự nhiên và nhân văn của điểm du lịch cũng như cách thức kinh doanh của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến cách thức trải nghiệm và hành vi tiêu dùng của du khách.Ngoài ra mối quan hệ chi phối và tác động lẫn nhau của các bên tham gia hoạt động du lịch bao gồm: doanh nghiệp, khách du lịch, cộng đồng địa phương, các cơ quan quản lý cũng là một “lực đẩy” hướng đến sự thành công khi thực hiện du lịch có trách nhiệm.Nếu như các doanh nghiệp đóng vai trò bản lề trong việc phát triển du lịch có trách nhiệm thì khách du lịch sẽ có vai trò là động cơ, nhà nước và cộng đồng chính là đòn bảy và các bên tham gia (các tổ chức môi trường, xã hội, các tổ chức quốc tế …) là chất xúc tác.Ví dụ đơn giản cho các mối quan hệ này này chính là khi mà ý thức trách nhiệm về vấn đề môi trường, xã hội của khách du lịch được nâng cao thì họ sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp những sản phẩm, dịch vụ du lịch có trách nhiệm, không gây hại cho môi trường. Cũng như khi một doanh nghiệp nào đó muốn khai thác hoạt động du lịch tại một đia phương có yêu cầu tính trách nhiệm cao thì bắt buộc phải chuyển mình, thay đổi cho phù hợp với địa phương đó. Ngoài ra, các tổ chức môi trường, xã hội cũng là một trong những tác nhân ảnh hưởng đến ý thức trách nhiệm của khách du lịch.Có thể nói chìa khóa quan trọng nhất để đi đến thành công của du lịch có trách nhiệm nằm ở trách nhiệm và ý thức của mỗi con người. Cho dù là một hành động nhỏ bé hay là một quyết định vĩ đại thì tất cả mọi thứ mà chúng ta làm, tất cả các hướng mà chúng ta suy nghĩ cũng ít nhiều tác động đến con người và môi trường xung quanh.Thực hiện được du lịch có trách nhiệm tuy nói thì dễ nhưng lại khó thực hiện bởi nó đòi hỏi mỗi con người thực hiện phải có một khối óc đủ thấu hiểu và một con tim được dẫn dắt bởi lương tâm, đạo đức. Và việc lựa chọn giữa lợi ích và trách nhiệm thì chưa bao giờ là dễ dàng.


Vì thế WAFORT cộng đồng du lịch có trách nhiệm là nơi hành động và kêu gọi hành động thực tiễn để bảo vệ đa dạng văn hóa, sinh học, phát triển, thay đổi cụ thể từ tất cả thành viên gia nhập WAFORT nói riêng, và người làm du lịch, người tham gia du lịch nói chung.

References

Diệu Nhi. (2019). Du lịch có trách nhiệm (Responsible tourism) là gì? Nguyên tắc và lợi ích. Retrieved from https://vietnambiz.vn/: https://vietnambiz.vn/du-lich-co-trach-nhiem-responsible-tourism-la-gi-nguyen-tac-va-loi-ich-20191213152932044.htmMai Anh. (2021). Responsible Tourism- Du lịch có trách nhiệm và những thông tin có thể bạn chưa biết. Retrieved from https://dulichvietnam.com.vn/: https://dulichvietnam.com.vn/responsible-tourism-du-lich-co-trach-nhiem-va-nhung-thong-tin-co-the-ban-chua-biet.htmlPGS. TS. Phạm Trương Hoàng. (2016). Du lịch có trách nhiệm: Từ nhận thức tới hành động. Retrieved from http://www.vtr.org.vn/: http://www.vtr.org.vn/du-lich-co-trach-nhiem-tu-nhan-thuc-toi-hanh-dong.htmlThúy Hằng , & Phạm Phương. (n.d.). Du lịch có trách nhiệm. Retrieved from https://vietnamtourism.gov.vn/: https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/11305