Xây dựng thang đo cho mô hình nghiên cứu các nhân tố tác động đến phát triển du lịch bền vững: Trường hợp nghiên cứu tại Long An
Bài viết nhằm xây dựng thang đo cho mô hình nghiên cứu các nhân tố tác động đến phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Long An, làm cơ sở cho việc khảo sát và thu thập mẫu dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu định hướng chính thức trong giai đoạn tiếp theo.
NCS. Nguyễn Huỳnh Phương Thảo –Trường Đại học Thủy Lợi
Email:nguyenhuynhphuongthao@tlu.edu.vn
PGS.TS. Đỗ Văn Quang – Trường Đại học Thủy Lợi
Email: quangkttl@tlu.edu.vn
PGS.TS. Nguyễn Thiện Dũng – Trường Đại học Thủy Lợi
Email:dzungngt@tlu.edu.vn
Tóm tắt
Bài viết nhằm xây dựng thang đo cho mô hình nghiên cứu các nhân tố tác động đến phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Long An. Trên cơ sở tổng hợp, lược khảo các lý thuyết liên quan và mô hình du lịch bền vững từ các nghiên cứu trước, nhóm tác giả đề xuất các giả thuyết và mô hình nghiên cứu với 7 nhân tố ảnh hưởng và 1 nhân tố phụ thuộc.
Từ kết quả kiểm định thang đo dựa trên phân tích các mẫu dữ liệu khảo sát và phỏng vấn sơ bộ giai đoạn đầu đối với 150 du khách đã từng du lịch tại các điểm đến trong tỉnh Long An từ năm 2022 đến nay, nhóm tác giả đã xây dựng được bộ thang đo nghiên cứu chính thức, bao gồm 8 nhân tố với tổng cộng 37 biến quan sát, làm cơ sở cho việc khảo sát và thu thập mẫu dữ liệu phục vụ nghiên cứu định lượng chính thức tại tỉnh Long An trong giai đoạn tiếp theo.
Từ khóa: thang đo, mô hình nghiên cứu, nhân tố tác động, phát triển du lịch bền vững, Long An
ĐẶT VẤN ĐỀ
Long An, với vị trí chiến lược nằm giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL, cùng với sự phong phú về văn hóa và hệ sinh thái, đại diện cho một phần đặc trưng của khu vực này. Tuy nhiên, Tỉnh vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng du lịch do thiếu các nghiên cứu cụ thể và các giải pháp phát triển phù hợp. Hạ tầng du lịch của Tỉnh vẫn chưa đồng bộ, với nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật và giao thông cần được cải thiện và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch.
Sản phẩm du lịch tại Long An còn hạn chế, chủ yếu là các sản phẩm ở dạng thô, chưa có sự phát triển đa dạng và chất lượng cao, điều này cũng là một thách thức lớn trong việc thu hút khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn thiếu hụt, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ du lịch trong Tỉnh.
Trong bối cảnh này, việc nghiên cứu về mô hình phát triển du lịch phù hợp để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững tại Long An trở nên cấp thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ môi trường, và đảm bảo sự phát triển dài hạn của ngành du lịch địa phương.
Với lý do đó, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu này nhằm xây dựng thang đo cho mô hình phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Long An, làm cơ sở cho nghiên cứu định lượng chính thức để làm rõ các nhân tố ảnh hưởng tới du lịch bền vững tại địa phương trong giai đoạn tiếp theo.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
Các khái niệm chính
Dựa trên các nghiên cứu của G. Miller (2001), Khalid, S (2019), Nguyễn Quang Hải (2021), khái niệm phát triển du lịch bền vững được hiểu là một hình thức phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại, mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc sử dụng tài nguyên.
Sự phát triển này phải đảm bảo cân bằng giữa 3 yếu tố chính: bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và giữ gìn các giá trị văn hóa xã hội, đồng thời, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quá trình quản lý và phát triển du lịch (UNWTO, 2013). Khái niệm này phù hợp với bối cảnh của vùng ĐBSCL, đặc biệt là tỉnh Long An, nơi có đặc thù về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa cần được bảo tồn và phát triển bền vững.
Để đạt được phát triển du lịch bền vững, cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản sau: (1) Sử dụng nguồn lực hợp lý; (2) Giảm thiểu sự tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên; (3) Duy trì sự đa dạng của thiên nhiên, xã hội và văn hóa; (4) Phát triển du lịch trong quy hoạch tổng thể của kinh tế – xã hội; (5) Lôi kéo sự tham gia của cộng đồng địa phương và (6) chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực (UNWTO, 2013).
Lý thuyết phát triển bền vững
Lý thuyết phát triển bền vững là một trong những lý thuyết quan trọng nhất trong lĩnh vực quản lý môi trường, kinh tế và xã hội, tập trung vào việc đạt được sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, và công bằng xã hội. Lý thuyết này bao gồm 3 trụ cột chính, gồm
(1) Kinh tế: Phát triển kinh tế cần phải bền vững, đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế không gây hại cho môi trường và xã hội;
(2) Môi trường: Bảo vệ và gìn giữ môi trường tự nhiên là yếu tố cốt lõi của phát triển bền vững và
(3) Xã hội: Đảm bảo công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống, và giảm nghèo đói là mục tiêu chính của phát triển bền vững (WCED, 1987).
Lý thuyết quản lý du lịch bền vững
Lý thuyết quản lý du lịch bền vững tập trung vào việc quản lý các hoạt động du lịch sao cho phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững. Nội dung chính của lý thuyết này bao gồm các khía cạnh sau:
(1) Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để đảm bảo rằng, chúng sẽ không bị khai thác cạn kiệt;
(2) Đảm bảo rằng, các hoạt động du lịch đóng góp tích cực vào nền kinh tế địa phương, mà không gây ra các tác động tiêu cực dài hạn;
(3) Tập trung vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch lên môi trường tự nhiên;
(4) Đảm bảo cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ du lịch và không bị thiệt hại;
(5) Duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách mà không làm tổn hại đến các giá trị bền vững;
(6) Giáo dục và nâng cao nhận thức của du khách và các bên liên quan về tầm quan trọng của du lịch bền vững
(7) Có các cơ chế giám sát và đánh giá liên tục để đo lường hiệu quả của các biện pháp bền vững (UNWTO, 2013).
Lý thuyết về sự tham gia của cộng đồng trong du lịch
Lý thuyết về sự tham gia của cộng đồng trong du lịch tập trung vào vai trò và sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quá trình phát triển du lịch. Sự tham gia của cộng đồng được hiểu là quá trình mà các thành viên của cộng đồng địa phương đóng vai trò tích cực trong việc ra quyết định, lập kế hoạch và quản lý các hoạt động du lịch trong khu vực của họ.
Đây là một phần quan trọng của phát triển bền vững, vì nó giúp đảm bảo rằng, lợi ích từ du lịch được chia sẻ công bằng và cộng đồng địa phương có quyền kiểm soát và ảnh hưởng đến các hoạt động diễn ra trong môi trường sống của họ (Niezgoda and Zmyślony, 2015).
Lý thuyết nhu cầu du lịch
Lý thuyết nhu cầu du lịch tập trung vào việc hiểu và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu của du khách đối với các dịch vụ và điểm đến du lịch. Lý thuyết này nghiên cứu các động lực và yếu tố quyết định khiến một người chọn tham gia vào một chuyến du lịch cụ thể, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn điểm đến, thời gian và các hoạt động mà họ sẽ tham gia (Crouch và cộng sự, 2016).
Các mô hình phát triển bền vững du lịch
Mô hình phát triển bền vững cơ bản thường được xây dựng dựa trên 3 khía cạnh chính: kinh tế, xã hội và môi trường. Đây được xem như 3 trụ cột quan trọng và không thể tách rời, cùng hỗ trợ và chi phối lẫn nhau để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Mô hình phát triển du lịch bền vững của Jacobs và Sadler nhấn mạnh sự tích hợp chặt chẽ giữa các yếu tố môi trường, xã hội, và kinh tế trong quá trình quy hoạch và quản lý du lịch. Du lịch không chỉ nên tạo ra lợi ích kinh tế, mà còn phải đóng góp tích cực cho môi trường và cộng đồng địa phương (Jacobs và Sadler, 1992).
Mô hình phát triển bền vững du lịch dựa theo mô hình kim cương của Porter dựa trên 5 nhóm yếu tố cơ bản tác động tới phát triển bền vững du lịch, gồm:
Nhóm 1: Nhóm các điều kiện đầu vào; Nhóm 2: Nhóm hỗ trợ và liên quan; Nhóm 3: Nhóm thị trường du lịch; Nhóm 4: Nhóm khuôn khổ pháp lý và Nhóm 5: Nhóm cộng đồng dân cư. Mô hình này giúp tạo ra một cái nhìn toàn diện về phát triển bền vững trong ngành du lịch, trong đó, tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường đều được xem xét và cân bằng để đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững (Porter, 2008).
Giả thuyết nghiên cứu
Dựa trên lý thuyết phát triển bền vững, lý thuyết quản lý du lịch bền vững, lý thuyết về sự tham gia của cộng đồng trong du lịch, lý thuyết nhu cầu du lịch cùng Các mô hình phát triển bền vững du lịch, nhóm tác giả xây dựng các giả thuyết như sau:
Mối quan hệ giữa Nhu cầu du lịch và Tài nguyên du lịch, Loại hình du lịch và Hạ tầng du lịch
Nhu cầu du lịch của du khách, đặc biệt là những nhu cầu ngày càng đa dạng liên quan đến trải nghiệm văn hóa, sinh thái và nghỉ dưỡng, có mối quan hệ mật thiết với việc phát triển và quản lý tài nguyên du lịch. Sự gia tăng nhu cầu du lịch không chỉ thúc đẩy việc khai thác tài nguyên hiện có, mà còn tạo động lực cho việc bảo tồn và phát triển các tài nguyên này. Từ đó, giả thuyết H1a được đề xuất như sau:
H1a: Nhu cầu du lịch có tác động tích cực đến Tài nguyên du lịch bền vững tại tỉnh Long An.
Nhu cầu du lịch không chỉ ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch, mà còn có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển và đa dạng hóa các loại hình du lịch tại địa phương. Khi nhu cầu du khách tăng lên, sẽ khuyến khích việc đầu tư vào các loại hình du lịch mới, từ đó, giúp phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu ngày càng cao của du khách. Từ đó, có giả thuyết H1b như sau:
H1b: Nhu cầu du lịch có tác động tích cực đến Loại hình du lịch hướng bền vững tại tỉnh Long An.
Nhu cầu du lịch của du khách đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển và nâng cấp hạ tầng du lịch tại các địa phương, bao gồm cả vùng ĐBSCL và tỉnh Long An. Các yêu cầu về hạ tầng không chỉ là yếu tố thiết yếu cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch, mà còn tạo ra những tác động tích cực đến nền kinh tế địa phương thông qua việc tạo việc làm và thu hút đầu tư. Từ đó, có giả thuyết H1c như sau:
H1c: Nhu cầu du lịch có tác động tích cực đến Hạ tầng du lịch bền vững tại tỉnh Long An.
Mối quan hệ giữa Sự tham gia của cộng đồng và Hạ tầng du lịch, Chất lượng dịch vụ và Phát triển du lịch bền vững
Sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò then chốt trong việc phát triển và duy trì hạ tầng du lịch bền vững tại các địa phương, bao gồm cả vùng ĐBSCL và tỉnh Long An. Sự tham gia của cộng đồng cũng giúp đảm bảo rằng, các dự án phát triển hạ tầng du lịch phù hợp với nhu cầu và lợi ích của người dân địa phương. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết H2a như sau:
H2a: Sự tham gia của cộng đồng có tác động tích cực đến Hạ tầng du lịch bền tại tỉnh Long An.
Sự tham gia của cộng đồng đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng du lịch. Sự tham gia của cộng đồng còn giúp xây dựng niềm tin và sự gắn kết giữa du khách và địa phương. Do đó, có giả thuyết H2b như sau:
H2b: Sự tham gia của cộng đồng có tác động tích cực đến Chất lượng dịch vụ du lịch tại tỉnh Long An.
Sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò thiết yếu trong việc phát triển du lịch bền vững, đặc biệt tại các khu vực có tiềm năng du lịch, như tỉnh Long An. Điều này giúp tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời đảm bảo rằng, lợi ích từ phát triển du lịch được phân bổ công bằng trong cộng đồng. Từ đó, có giả thuyết H2c như sau:
H2c: Sự tham gia của cộng đồng có tác động tích cực đến Phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Long An.
Mối quan hệ giữa Tài nguyên du lịch và Chính sách quản lý, Phát triển du lịch bền vững
Tài nguyên du lịch đóng vai trò cơ bản trong việc định hướng và xây dựng các chính sách quản lý du lịch bền vững tại tỉnh Long An. Sự phong phú của tài nguyên du lịch cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết kế các chính sách quản lý phù hợp với đặc thù địa phương, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết H3a như sau:
H3a: Tài nguyên du lịch có tác động tích cực đến Chính sách quản lý phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Long An.
Tài nguyên du lịch đóng vai trò cốt lõi trong việc thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Đây còn là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng các chiến lược phát triển du lịch bền vững. Việc phát triển du lịch bền vững dựa trên tài nguyên du lịch sẽ giúp địa phương giữ vững được các giá trị văn hóa, thiên nhiên đặc trưng, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương. Từ đó, có giả thuyết H3b như sau:
H3b: Tài nguyên du lịch có tác động tích cực Phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Long An.
Mối quan hệ giữa Hạ tầng du lịch và Phát triển du lịch bền vững
Hạ tầng du lịch, bao gồm cả cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Long An. Hạ tầng công nghệ trong du lịch cũng đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển du lịch bền vững. Sự kết hợp giữa hạ tầng vật chất và hạ tầng công nghệ tạo nên một hệ thống hỗ trợ toàn diện cho phát triển du lịch bền vững. Từ đó, có giả thuyết H4 như sau:
H4: Hạ tầng du lịch có tác động tích cực đến Phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Long An
Mối quan hệ giữa Chính sách quản lý và Phát triển du lịch bền vững
Chính sách quản lý đóng vai trò then chốt trong việc định hướng và điều tiết các hoạt động du lịch, góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch bền vững. Chính sách quản lý hiệu quả còn đóng góp tích cực vào việc xây dựng và củng cố cơ sở hạ tầng, từ đó, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và trải nghiệm của du khách, góp phần vào sự phát triển du lịch bền vững tại Long An. Từ đó, có giả thuyết H5 như sau:
H5: Chính sách quản lý có tác động tích cực đến Phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Long An.
Mối quan hệ giữa Loại hình du lịch bền vững và Phát triển du lịch bền vững.
Loại hình du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Mối quan hệ giữa các loại hình du lịch bền vững và phát triển du lịch bền vững rất chặt chẽ, vì khi các loại hình này được xây dựng và phát triển, chúng giúp tối ưu hóa việc sử dụng các tài nguyên du lịch một cách có trách nhiệm. Việc đa dạng hóa các loại hình du lịch bền vững cũng góp phần vào việc xây dựng một nền du lịch ổn định và bền vững. Từ đó, có giả thuyết H6 như sau:
H6: Loại hình du lịch bền vững có tác động tích cực đến Phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Long An.
Mối quan hệ giữa Chất lượng dịch vụ và Phát triển du lịch bền vững
Chất lượng dịch vụ là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao trải nghiệm của du khách, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Long An. Chất lượng dịch vụ cao còn góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và văn hóa địa phương, từ đó, hỗ trợ phát triển du lịch bền vững. Chất lượng dịch vụ cao góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương, từ đó, tạo động lực cho phát triển du lịch bền vững. Trên cơ sở đó, giả thuyết H7 được đề xuất như sau:
H7: Chất lượng dịch vụ có tác động tích cực đến Phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Long An.
Mô hình nghiên cứu
Dựa trên các giả thuyết về các mối quan hệ đã trình bày, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố tác động đến phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Long An như sau:
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn thông qua việc tổng hợp, lược khảo từ các lý thuyết nền, các nghiên cứu trước đây liên quan. Từ đó, nhóm tác giả xây dựng thang đo sơ bộ từ thang đo gốc của các nghiên cứu trước, tiến hành thảo luận chuyên gia để rà soát, đóng góp cho thang đo, mô hình và điều chỉnh. Sau đó, nhóm tác giả tiến hành khảo sát mẫu sơ bộ với thang đo và tiến hành kiểm định với phần mềm SPSS. Cuối cùng, khẳng định và đưa ra thang đo chính thức. Đây cũng là kết quả của nghiên cứu này.
Cỡ mẫu thu thập cho nghiên cứu sơ bộ là 150 đối tượng là những du khách đã từng du lịch tại các điểm đến trong tỉnh Long An từ năm 2022 đến nay. Phương pháp phi xác suất được áp dụng với hình thức lấy mẫu thuận. Khảo sát được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 6/2024.
Dữ liệu được đo lường dựa trên thang đo Likert gồm 5 điểm, được tổng hợp và phân tích bằng phần mềm thống kê SPSS. Sau khi thu thập, làm sạch và nhập liệu, dữ liệu sẽ được đánh giá độ tin cậy bằng hệ số Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA) và xử lý bằng phần mềm SPSS.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Đánh giá độ tin cậy thang đo sơ bộ
Kết quả hệ số Cronbach’s Alpha tại Bảng 1 cho các thang đo dao động từ 0,76 đến 0,84, cho thấy các thang đo đều đạt mức tin cậy tốt. Hầu hết các hệ số tương quan biến – tổng đều trên 0,7, điều này thể hiện các biến đo lường có sự tương quan chặt chẽ với tổng thể của thang đo. Nhìn chung, các thang đo đạt yêu cầu về độ nhất quán nội tại và có thể sử dụng trong phân tích tiếp theo.
Bảng 1: Kết quả đánh giá độ tin cậy thang đo sơ bộ
Cronbach’s Alpha |
Biến |
Tương quan biến – tổng |
Cronbach’s Alpha |
Biến |
Tương quan biến – tổng |
NCDL: 0,781 |
NCDL1 |
0,819 |
LHBV: 0,814 |
LHBV1 |
0,824 |
NCDL2 |
0,654 |
LHBV2 |
0,766 |
||
NCDL3 |
0,863 |
LHBV3 |
0,726 |
||
NCDL4 |
0,869 |
LHBV4 |
0,697 |
||
STGCD: 0,821 |
STGCD1 |
0,733 |
CLDV: 0,773 |
CLDV1 |
0,740 |
STGCD2 |
0,754 |
CLDV2 |
0,839 |
||
STGCD3 |
0,672 |
CLDV3 |
0,883 |
||
STGCD4 |
0,752 |
CLDV4 |
0,886 |
||
STGCD5 |
0,769 |
PTDLBV: 0,842 |
PTDLBV1 |
0,851 |
|
TNDL: 0,806 |
TNDL1 |
0,717 |
PTDLBV2 |
0,824 |
|
TNDL2 |
0,743 |
PTDLBV3 |
0,878 |
||
TNDL3 |
0,875 |
PTDLBV4 |
0,766 |
||
TNDL4 |
0,890 |
PTDLBV5 |
0,726 |
||
TNDL5 |
0,833 |
PTDLBV6 |
0,697 |
||
CSQL: 0,796 |
CSQL1 |
0,722 |
HTDL: 0,794 |
HTDL1 |
0,840 |
CSQL2 |
0,689 |
HTDL2 |
0,790 |
||
CSQL3 |
0,753 |
HTDL3 |
0,838 |
||
CSQL4 |
0,701 |
HTDL4 |
0,796 |
||
|
|
HTDL5 |
0,689 |
Nguồn: Kết quả phân tích khảo sát
Phân tích giá trị hội tụ và giá trị phân biệt thang đo
Kết quả phân tích thang đo các nhân tố độc lập
Hệ số KMO đạt 0,826 (> 0,5) và giá trị Sig. của kiểm định Bartlett đạt 0,000 (< 0,05). Điều này cho thấy mức độ phù hợp của dữ liệu sơ bộ để phân tích EFA.
Kết quả phân tích EFA cho thấy, có 6 nhân tố được trích tại Eigenvalues là 1,354 và tổng phương sai trích được là 82,012% > 50%, điều này thể hiện 6 nhân tố được trích ra này có thể giải thích được 82,012% biến thiên của dữ liệu, đây là kết quả chấp nhận được. Các hệ số tải nhân tố của thang đo đều đạt yêu cầu > 0,50, điều này chứng tỏ thang đo đã đạt được giá trị hội tụ.
Kết quả phân tích nhân tố thang đo phụ thuộc
Hệ số KMO đạt 0,841 (> 0,5) và giá trị Sig. của kiểm định Bartlett đạt 0,000 (< 0,05). Điều này cho thấy mức độ phù hợp của dữ liệu sơ bộ để phân tích EFA.
Kết quả phân tích EFA cho thấy có 1 nhân tố được trích tại Eigenvalues = 3,542 > 1 và tổng phương sai trích được là 59,034% > 50%. Các hệ số tải nhân tố của thang đo đều đạt yêu cầu > 0,50. Các thang đo của Phát triển du lịch bền vững đều đạt yêu cầu. Thang đo cho nghiên cứu định lượng chính thức như Bảng 2.
Sau khi hoàn tất giai đoạn nghiên cứu định lượng sơ bộ, nghiên cứu định lượng chính thức sẽ được triển khai nhằm kiểm định các giả thuyết của mô hình nghiên cứu. Mục tiêu chính của nghiên cứu định lượng chính thức này là đánh giá mức độ phù hợp của mô hình và xác nhận mối quan hệ giữa các nhân tố và biến số như đã đề xuất.
Bảng 2: Thang đo nghiên cứu dành cho nghiên cứu định lượng chính thức
Ký hiệu |
Nội dung thang đo |
NCDL | Nhu cầu du lịch |
NCDL1 | Tôi ưu tiên các hoạt động du lịch không gây hại đến môi trường tự nhiên. |
NCDL2 | Tôi thích khám phá văn hóa địa phương và mong muốn chúng được bảo tồn. |
NCDL3 | Tôi ưu tiên sử dụng các dịch vụ du lịch bảo vệ môi trường và cộng đồng. |
NCDL4 | Tôi sẵn sàng chi tiêu để hỗ trợ cộng đồng địa phương. |
STGCD | Sự tham gia của cộng đồng |
STGCD1 | Cộng đồng địa phương tham gia vào các quyết định quan trọng về phát triển du lịch. |
STGCD2 | Cộng đồng địa phương tích cực tham gia vào các dự án du lịch. |
STGCD3 | Tôi nhận thấy cộng đồng địa phương có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các tài nguyên tự nhiên và văn hóa liên quan đến du lịch. |
STGCD4 | Tôi cho rằng, lợi ích kinh tế từ du lịch được phân phối công bằng trong cộng đồng địa phương. |
STGCD5 | Tôi cảm thấy cộng đồng địa phương tham gia vào việc giám sát và quản lý các hoạt động du lịch để đảm bảo tính bền vững. |
TNDL | Tài nguyên du lịch |
TNDL1 | Tôi cảm thấy các tài nguyên thiên nhiên của địa phương có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch bền vững. |
TNDL2 | Tôi cho rằng, các lễ hội, di sản văn hóa và phong tục tập quán của địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển du lịch bền vững. |
TNDL3 | Tôi thấy các tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của địa phương được bảo tồn và khai thác hợp lý trong các hoạt động du lịch. |
TNDL4 | Tôi nhận thấy tài nguyên du lịch đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương |
TNDL5 | Tôi nghĩ rằng,việc khai thác và quản lý tài nguyên du lịch tại địa phương được thực hiện có kế hoạch và đảm bảo tính bền vững lâu dài. |
HTDL | Hạ tầng du lịch |
HTDL1 | Tôi cảm thấy hệ thống giao thông tại các điểm du lịch dễ tiếp cận và thuận tiện cho việc di chuyển. |
HTDL2 | Tôi hài lòng với chất lượng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và cơ sở lưu trú tại điểm du lịch này. |
HTDL3 | Tôi thấy các cơ sở giải trí, khu vui chơi và các dịch vụ hỗ trợ được thiết kế hợp lý về vị trí và thân thiện với môi trường. |
HTDL4 | Tôi cảm thấy yên tâm về chất lượng cung cấp điện, nước và vệ sinh tại các điểm du lịch. |
HTDL5 | Tôi thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin (ví dụ như ứng dụng du lịch thông minh, bản đồ số) giúp tôi dễ dàng di chuyển và trải nghiệm du lịch hơn. |
CSQL | Chính sách quản lý |
CSQL1 | Tôi thấy các chính sách quản lý du lịch tại địa phương được quy định rõ ràng và có tính khả thi cao trong thực tế. |
CSQL2 | Tôi nhận thấy các chính sách quản lý du lịch địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên. |
CSQL3 | Tôi nhận thấy các chính sách quản lý du lịch phù hợp với việc bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa của địa phương. |
CSQL4 | Tôi nhận thấy chính sách quản lý du lịch địa phương được thực thi một cách nhất quán và hiệu quả. |
LHBV | Loại hình du lịch hướng bền vững |
LHBV1 | Tôi thấy rằng, địa phương cung cấp đa dạng các loại hình du lịch phù hợp với sở thích của tôi. |
LHBV2 | Tôi thấy rằng, các loại hình du lịch được phát triển tại địa phương giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và thiên nhiên. |
LHBV3 | Tôi thấy rằng, các loại hình du lịch tại địa phương có tính bền vững và thân thiện với môi trường. |
LHBV4 | Tôi thấy rằng ,các loại hình du lịch tại địa phương tạo điều kiện cho sự tham gia của cộng đồng địa phương vào việc quản lý và phát triển du lịch. |
CLDV | Chất lượng dịch vụ |
CLDV1 | Tôi hài lòng với mức độ thân thiện và chuyên nghiệp của nhân viên phục vụ trong các dịch vụ du lịch tại địa phương. |
CLDV2 | Tôi nhận thấy các dịch vụ du lịch được cung cấp tại địa phương đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. |
CLDV3 | Tôi đánh giá cao việc cung cấp các dịch vụ du lịch tôn trọng phong tục, văn hóa và bảo tồn di sản của cộng đồng địa phương. |
CLDV4 | Chất lượng dịch vụ du lịch ở đây phù hợp với mong đợi của tôi về tính bền vững và thân thiện với môi trường. |
PTDLBV | Phát triển du lịch bền vững |
PTDLBV1 | Tôi nhận thấy du lịch tại địa phương đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế và tăng GRDP thông qua việc thu hút đầu tư và tiêu dùng của du khách. |
PTDLBV2 | Tôi nhận thấy sự phát triển của du lịch đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm ổn định cho người dân địa phương. |
PTDLBV3 | Tôi nhận thấy các hoạt động du lịch tại địa phương không gây ô nhiễm và góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. |
PTDLBV4 | Tôi nhận thấy các hoạt động du lịch tại đây hỗ trợ tích cực cho việc bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên. |
PTDLBV5 | Tôi nhận thấy du lịch đã cải thiện đời sống của cộng đồng địa phương thông qua các hoạt động kinh tế và xã hội. |
PTDLBV6 | Tôi nhận thấy các hoạt động du lịch tại địa phương đã giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. |
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất
KẾT LUẬN
Nghiên cứu đã xác nhận tính hợp lệ của mô hình đề xuất, cho thấy các yếu tố như nhu cầu du lịch, sự tham gia của cộng đồng, tài nguyên du lịch, hạ tầng du lịch, chất lượng dịch vụ, chính sách quản lý và phát triển du lịch bền vững có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và là những thành phần quan trọng trong mô hình phát triển du lịch bền vững của tỉnh Long An.
Thang đo nghiên cứu được kế thừa từ các nghiên cứu trước và được điều chỉnh thông qua ý kiến chuyên gia cũng như thử nghiệm sơ bộ. Thang đo chính thức bao gồm 8 nhân tố với tổng cộng 37 biến quan sát. Các thang đo này đã được kiểm tra độ tin cậy thông qua hệ số Cronbach’s Alpha và phân tích EFA.
Như vậy, mục tiêu khẳng định mô hình và xây dựng thang đo chính thức cho nghiên cứu tiếp theo đã được thực hiện. Mô hình và thang đo chính thức đước sử dụng để khảo sát trên quy mô lớn hơn để đánh giá một cách khách quan và toàn diện hơn trong nghiên cứu tiếp theo./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Crouch. P, Oppewal. H, Huybers. T, Dolnicar J., Louviere B., and Devinney J. (2016), Tourism Destination Choice and Behavioral Intentions, Journal of Marketing Research, 55(3), 247-263.
2. Choi H. C. and Sirakaya. E. (2006), Sustainability indicators for managing community tourism, Tourism Management, 27(6), 1274-1289.
3. Elkington, J. (1994), Towards the Sustainable Corporation: Win-Win-Win Business Strategies for Sustainable Development, California Management Review, 39, 90-100.
4. European Tourism Indicators System (2016), European Tourism Indicators System for sustainable destination management, Directorate-General for Internal Market, Industry, Entrepreneurship and SMEs.
5. Holden A. (2020), The role of tourism in protecting natural areas in Latin America, Tourism Management, 78, 56-65.
6. Khalid, S., Ahmad, M. S., Ramayah, T., Hwang, J., and Kim, I (2019), Community empowerment and sustainable tourism development: The mediating role of community support for tourism, Sustainability, 22(11), 6248.
7. Khan, A., Bibi, S., Lorenzo, A., Lyu, J., and Babar, Z. U. (2020), Tourism and development in developing economies: A policy implication perspective, Sustainability, 4(12), 1618.
8. Miller. G (2001), The development of indicators for sustainable tourism: Results of a Delphi survey of tourism researchers, Tourism Management, 22(4), 351-362.
9. McCool. S, Moisey. A and Nickerson. N (2001), What should tourism sustain? The disconnect with industry perceptions of useful indicators, Journal of Travel Research, 40(4), 124-131.
10. Nguyễn Quang Hải (2021), Impact of investment in tourism infrastructure development on attracting international visitors: A nonlinear panel ARDL approach using Vietnam’s data, Economies, 3(9), 131.
11. Niezgoda J. A. and Zmyślony A. C. (2015), Community Involvement in Sustainable Tourism Development, Procedia – Social and Behavioral Sciences, 213, 1107-1115.
12. Porter, M. E.(2008), The competitive advantage of nations: With a new introduction, Free Press.
13. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) (2013), Sustainable Tourism for Development Guidebook.
14. World Commission on Environment and Development (WCED) (1987), Our common future, Oxford University Press.
15. World Tourism Organization (2004), Indicators of Sustainable Development for Tourism Destinations: A Guidebook, Madrid: WTO.
Nguồn: Kinh tế và Dự báo