Đắk Lắk: Khởi động dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng”
Sở VHTTDL Đắk Lắk vừa tổ chức Lễ khởi động thực hiện dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng” trên địa bàn tỉnh. Dự án do Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) tài trợ với kinh phí trên 25.000 USD.Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhằm mục tiêu phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa cồng chiêng nói riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, gắn với phát triển du lịch, tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đồng thời tạo động lực phát triển đời sống kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS tại chỗ.Theo đó, dự án được triển khai từ tháng 4.2022 đến tháng 12.2022 tại các huyện: Lắk, Krông Ana, Buôn Đôn và Cư M’gar với các hoạt động chính như: tổ chức 2 lớp truyền dạy đánh chiêng cho lứa tuổi thanh thiếu niên (từ 15 – 25 tuổi) trong thời gian 3 tháng/lớp tại huyện Lắk và huyện Krông Ana; hỗ trợ cấp 2 bộ chiêng và 60 bộ trang phục truyền thống của người Ê đê và người M’nông cho các đội chiêng, đội văn nghệ tiêu biểu; tổ chức phục dựng và ghi hình Lễ kết nghĩa anh em của người M’nông ở làng Jie Juk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk; tổ chức sưu tầm các bài chiêng được sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của người Ê đê và người M’nông.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk cho biết: “Việc triển khai Dự án không chỉ đóng góp vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng theo cam kết trong hồ sơ đăng ký với UNESCO mà còn góp phần tăng cường sự hiểu biết về văn hóa, truyền thống giữa Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Jeollabuk, làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Jeollabuk nói riêng và hai nước Việt Nam và Hàn Quốc nói chung. Do đó, các địa phương được hưởng thụ Dự án cần chủ động, tích cực phối hợp cùng các đơn vị liên quan, các phòng chuyên môn của Sở để tổ chức triển khai hiệu quả các nội dung đã được ký kết đúng theo Kế hoạch đề ra, đạt được hiệu quả cao nhất”.Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Để bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành 5 Nghị quyết của HĐND tỉnh về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Nghị quyết một cách đồng bộ, hiệu quả. Nhờ đó, phong trào học tập và biểu diễn cồng chiêng ngày càng trở nên sôi nổi và lan tỏa rộng khắp, góp phần làm cho đời sống tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh thêm sống động, tạo nên sức hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước.Theo baovanhoa.vn