Bình Thuận – Đẩy mạnh phát triển bền vững ngành du lịch. Tiềm năng và thách thức trong phát triển
1. “Xanh hóa” trong du lịch là gì?
“Cụm từ “xanh hóa” dù được nhắc đến rất nhiều trong cộng đồng thời gian gần đây, nhưng “xanh hóa” thế nào là đúng, là tốt thì không phải ai cũng nắm rõ. Đối với du lịch cũng vậy, du lịch xanh đang trở thành một xu hướng quan trọng và hấp dẫn, đồng thời đó cũng là một cơ hội để bảo vệ tài nguyên tự nhiên, duy trì cân bằng môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, cần đối mặt với những thách thức và cần có những giải pháp đúng đắn”.
2. Bình Thuận và mô hình “xanh hóa” hướng đến du lịch bền vững
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh cho biết: thời gian qua, phát triển bền vững đã trở thành trọng tâm của chính sách phát triển ở hầu hết các quốc gia và trở thành xu thế tất yếu trong tương lai. Ở nước ta, phát triển bền vững là một trong những nội dung cơ bản để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu mà nền kinh tế hướng tới. Về cơ bản, phát triển bền vững cần đảm bảo sự cân bằng giữa 3 trụ cột chính: Kinh tế, xã hội và môi trường; khuyến khích phát triển kinh tế – xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học. “Trên cơ sở định hướng đó, chính quyền, doanh nghiệp và người dân tỉnh Bình Thuận đã và đang đẩy mạnh chính sách “xanh hóa”, trong đó chú trọng vào ngành du lịch. Với quyết tâm, định hướng phát triển du lịch “xanh”, bền vững, năm 2023 tỉnh Bình Thuận vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh” góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong 3 ba trụ cột kinh tế của tỉnh, từ đó tạo tiền đề phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, gắn liền với yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Minh nói.Ở ven biển cực Nam Trung Bộ, Bình Thuận đang “hội tụ” nguồn tài nguyên đa dạng, quý giá để phát triển mạnh du lịch bằng nhiều sản phẩm theo hướng thân thiện môi trường, khai thác gắn với gìn giữ các các tài nguyên. Nói đến Bình Thuận không thể không nhắc tới những bãi biển đẹp: Mũi Né, Hòn Rơm, Kê Gà… hay những khu bảo tồn thiên nhiên núi Tà Cú, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Câu; những thắng cảnh thiên nhiên kì vĩ như: Đồi cát bay Mũi Né, Bàu Trắng… Bình Thuận còn là nơi hội tụ của nhiều sắc màu văn hóa, các di tích gắn với lịch sử hình thành và phát triển của địa phương, quá trình sinh sống của cộng đồng các dân tộc như: Tháp Chăm Pô Sah Inư, Vạn Thủy Tú, Dinh Thầy Thím, làng nghề gốm của đồng bào Chăm… Theo ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XV) về “phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” đã xác định ưu tiên phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống; nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận là định hướng chiến lược quan trọng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh.Lấy môi trường biển làm trọng tâm để phát triển các sản phẩm du lịch, Bình Thuận đang phát huy thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, golf, du lịch thể thao biển… Cùng với đó, Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính là du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường.Đồng thời, tỉnh phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống. Bình Thuận đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái rừng – thác – hồ – biển đảo, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch sinh thái nông nghiệp… góp phần khẳng định điểm đến thực sự hội tụ những giá trị xanh gắn với môi trường trong lành, thiên nhiên tươi đẹp. Hiện nay, nhiều cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch ở Bình Thuận đã có phương án nhằm “xanh hóa” tối đa các sản phẩm du lịch, tái đầu tư với các trang thiết bị, tận dụng thiên nhiên, thắng cảnh trong quá trình vận hành các dự án du lịch.Các cơ sở, khu du lịch đã tiến hành chuyển đổi nguồn nhiên liệu sử dụng sang các nhiên liệu xanh như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời; hạn chế các chất đốt, sản sinh điện gây nguy hại đến môi trường và vận hành phát triển theo mô hình ESG (bộ tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng).Ông Nguyễn Đức Tiến, Tổng Giám đốc Mui Ne Bay Resort, thành phố Phan Thiết cho biết, kiến trúc với thiết kế chú trọng không gian xanh, thân thiện với môi trường là tiêu chí đơn vị hướng tới. Vì vậy, tại khu nghỉ dưỡng, mật độ xây dựng thấp (khoảng 20%), ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, thiết kế thông thoáng sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, giữ không gian xanh với nhiều loại cây bản địa phù hợp điều kiện tự nhiên.Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng còn tận dụng mái tòa nhà để lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời, nước nóng năng lượng mặt trời… Bên cạnh đó, từng chi tiết nhỏ trong các sản phẩm, đồ dùng phục vụ du khách được ưu tiên sử dụng bằng vật liệu thân thiện môi trường như: Tre, sứ, gốm, giấy… Theo ông Bùi Thế Nhân, năm 2023, địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh” thể hiện quyết tâm, định hướng phát triển du lịch xanh, phát triển bền vững. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để hiện thực hóa phát triển du lịch xanh như: chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp…Các địa phương, Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch đã có những hành động thiết thực để phát triển du lịch xanh như: Thường xuyên ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường gắn với nếp sống văn minh đô thị, trang trí đường phố, trồng cây xanh…3. Tiềm năng và thách thức
3.1. Tiềm năng
Du lịch Bình Thuận sau thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid -19, trong 02 năm qua đã dần khôi phục và trong 9 tháng đầu năm 2023 đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều mặt, các chỉ tiêu du lịch đã có sự tăng trường ổn định, đạt được kế hoạch đề ra, nhất là sau khi tỉnh được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023, “Bình Thuận – Hội tụ xanh” và thông tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết – Vĩnh Hảo giúp rút ngắn thời gian di chuyển của du khách đến Bình Thuận.TS Trần Du Lịch, (đại diện VIAC) đánh giá cao tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch xanh theo hướng phát triển bền vững của Bình Thuận. Theo TS Trần Du Lịch, Bình Thuận cũng được xác định là trung tâm năng lượng quốc gia, có nền tảng tốt để khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.“Với những thuận lợi này, tỉnh hoàn toàn có cơ hội thúc đẩy các dự án du lịch xanh, đóng góp tích cực cho lộ trình phát triển bền vững của kinh tế của khu vực và cả nước”, ông Lịch phát biểu.Ông Trần Du Lịch cũng nhận định, du lịch xanh hiện đang là xu hướng toàn cầu khi nó có thể hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường, nâng cao giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và bảo tồn được các di sản tự nhiên.Trong khi đó, với vai trò người hoạt động lâu năm trong ngành du lịch, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa cho rằng, các mô hình du lịch xanh phát huy lợi thế địa hình biển ở Mũi Né, Bình Thuận vẫn tiếp tục được duy trì một cách hiệu quả. Các resort ven biển của Bình Thuận vẫn là điểm đến thu hút khá nhiều du khách trong nước và quốc tế.Ngoài lợi thế này, Bình Thuận còn đang khai thác thêm các thuận lợi tự nhiên khác như sông, hồ, rừng, thác để làm du lịch. Theo đó, các mô hình du lịch sinh thái, du lịch kết hợp khám phá danh lam thắng cảnh, du lịch kết hợp tham quan di tích lịch sử, du lịch nông thôn… cũng bắt đầu được mở rộng thêm. Hướng đến mục tiêu phát triển xanh, du lịch bền vững, doanh nghiệp du lịch đã có nhiều phương án nhằm đa dạng, xanh hóa tối đa các sản phẩm du lịch, tái đầu tư với các trang thiết bị, tận dụng thiên nhiên, thắng cảnh.Ông Khoa cho rằng, để du lịch xanh trở nên phổ biến và hiệu quả, cần sớm xây dựng các tiêu chí về xanh, đồng thời chính quyền, các cơ quan liên quan cũng nên rà soát và có ý kiến điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý cho du lịch nói chung và du lịch xanh nói riêng.3.2. Thách thức
Hướng dẫn khách trải nghiệm biển, đảo nhưng cũng không quên nhắc nhở du khách bảo vệ, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường, đây là một tour du lịch xanh được rất nhiều du khách yêu thích khi đến Phú Quý, Bình Thuận. Không chỉ thu hút được du khách mà còn giúp bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho nhiều người trẻ tại địa phương.
Tuy nhiên, khác với hình thức du lịch cộng đồng, việc chuyển đổi mô hình du lịch xanh của đơn vị này và nhiều đơn vị lưu trú khác còn gặp nhiều khó khăn khi chưa có tiêu chuẩn rõ ràng về du lịch xanh nên khó tiếp cận vốn để đầu tư chuyển đổi.
Theo hiệp hội du lịch Bình Thuận hiện việc phát triển du lịch xanh tại Bình Thuận chỉ manh mún, mỗi nơi theo một kiểu, còn lộ trình cụ thể mới đang được xây dựng tính toán. Ngoài ra, vệ sinh môi trường một số nơi chưa tốt, tình trạng rác thải, nước thải tại các khu dân cư, du lịch và bãi biển còn diễn ra, chưa được xử lý triệt để, nhất là khu du lịch cộng đồng. Các loại hình kinh doanh dịch vụ phục vụ khách còn tạm bợ, chưa chuyên nghiệp.
Nhận thức ứng xử về văn hóa, văn minh du lịch của một số người dân, du khách tham gia hoạt động dịch vụ du lịch còn hạn chế, ngại thay đổi thói quen… Đây là những thách thức lớn đối với du lịch xanh. Hiệp hội đang tiếp thu các ý kiến để báo cáo các cấp cao hơn thống nhất lộ trình, tiêu chí, đồng thời kiến nghị điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý cho du lịch xanh.
Chưa có tiêu chuẩn, pháp lý và lộ trình, việc phát triển du lịch xanh tại Bình Thuận và một số địa phương trong cả nước còn nhỏ lẻ, chưa có nhiều đột phá. nhiều thách thức còn đang đặt ra về hạ tầng, cơ sở lưu trú và các dịch vụ thân thiện với môi trường.
4. Lợi ích của du lịch xanh
Du lịch xanh không chỉ là đến những điểm du lịch gắn liền với thiên nhiên, vận động du khách bảo vệ môi trường, hạn chế tác động đến nét đẹp nguyên bản của thiên nhiên mà còn là những giá trị, bản sắc cộng đồng cần được gìn giữ, tôn tạo và phát triển. Đây là biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng nghèo đói, tạo việc làm tại địa phương và đa dạng hóa kinh tế. Tuy nhiên cũng cần phải có những cơ chế ưu đãi, khuyến khích để phát triển du lịch xanh. “Chúng ta thấy được khi một doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm về phát triển du lịch xanh, họ sẽ phải đầu tư rất nhiều về con người, về công sức cũng như lựa chọn sản phẩm và đối tượng khách hàng. Chính vì vậy, giá trị để tạo ra một sản phẩm du lịch xanh sẽ đắt hơn, tốn nhiều thời gian, công sức hơn so với một sản phẩm du lịch thông thường.Bởi vậy, Chính phủ nên tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp để tạo ra một môi trường phát triển lành mạnh, tạo ra được những sản phẩm có tính bền vững, phục vụ cho ngành công nghiệp không khói, đưa tên tuổi của du lịch Việt Nam không chỉ nổi tiếng trong nước mà có thể sánh vai với tất cả các nước trên thế giới” – ông Vũ Văn Tuyên đề xuất.Du lịch xanh không chỉ là xu hướng, mà còn là giải pháp thiết yếu cho sự phát triển bền vững. Thành công trong việc xanh hóa ngành du lịch sẽ giúp Việt Nam không chỉ bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường mà còn gia tăng giá trị văn hóa, kinh tế cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, và cộng đồng, cùng một khung pháp lý rõ ràng và hỗ trợ thiết thực từ các cấp. Hãy cùng chung tay để biến du lịch Việt Nam trở thành điểm đến xanh, thân thiện với mọi du khách.Nguồn: Internet